Đòn tâm lý với cử tri còn phân vân
Mới đây, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã mở lại cuộc điều tra mới về bà Clinton khi phát hiện một số thư điện tử của bà Hillary Clinton trong các thiết bị điện tử của ông Anthony D. Weiner - chồng cũ của Huma Abedin, trợ lý của bà Clinton thời còn là Ngoại trưởng Mỹ.
Điều này làm sống lại “niềm tin” có thể đảo ngược tình thế của ông Trump - người thua cuộc trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận trước đây. Diễn biến này cũng làm dấy lên mối lo ngại mới trong đội ngũ tranh cử của bà Clinton rằng một số cử tri có tiềm năng ủng hộ bà có thể sẽ quyết định không đi bầu.
Ít nhất 20 triệu dân Mỹ, tương đương khoảng 10% số cử tri, đã đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử sớm. Chiến dịch vận động tranh cử của bà Clinton đang khuyến khích các nhóm cử tri chủ chốt của bà tại bang Florida và bang Nevada đi bỏ phiếu sớm để củng cố chắc chắn tỷ lệ cử tri ủng hộ mình.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump vừa tiết lộ kế hoạch hạn chế số cử tri đi bầu nhằm ngăn chặn lá phiếu ủng hộ bà Clinton từ những người theo chủ nghĩa tự do da trắng duy tâm, những phụ nữ trẻ và người Mỹ gốc Phi.
Hạn chế số cử tri đi bầu là một chiến thuật được sử dụng trong nhiều mùa bầu cử trước của Mỹ. (Nguồn: USA Online Today)
Chiến thuật không mới
Chiến lược này của ông Trump được đánh giá là một nước cờ khôn ngoan trong bối cảnh này. Việc hạn chế hết mức số cử tri đi bỏ phiếu ở một nền dân chủ lâu đời như Mỹ nghe thì có vẻ như là điều khác thường, nhưng trên thực tế đây là một chiến thuật được sử dụng trong nhiều mùa bầu cử trước của Mỹ.
Xét về tỷ lệ tham gia bỏ phiếu trong dân số ở lứa tuổi đi bầu cử, Mỹ đứng thứ 31 trong số 35 nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - phần lớn trong số này là các nước phát triển và dân chủ. Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012, chỉ có 57,5% công dân Mỹ đủ tư cách đi bỏ phiếu.
Trong hầu hết các cuộc bầu cử gần đây, hơn 90% cử tri có đủ tư cách ở Australia đã đi bỏ phiếu. Trong cuộc bầu cử gần đây nhất tại Bỉ, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cũng cao như vậy. Tất nhiên, việc đi bỏ phiếu là bắt buộc tại các nước đó và một số nước khác. Trong khi đó, việc này chưa bao giờ được coi là “chuyện nghiêm túc” tại Mỹ, nơi đi bỏ phiếu là quyết định của cá nhân chứ không phải nghĩa vụ công dân.
Năm 2008, Barack Obama là người đầu tiên đắc cử nhờ số lượng cử tri đi bỏ phiếu cao nhất trong 40 năm, đạt mức 63,5%. Những người Mỹ gốc Phi trẻ tuổi lần đầu tiên đã đi bỏ phiếu với tỷ lệ cao tới mức đủ để vượt qua các cử tri da trắng, trong khi nhóm phụ nữ da đen áp đảo các nhóm cấp tiến, sắc tộc và giới tính khác.
Trong kỳ bầu cử năm nay, đảng Dân chủ đang kỳ vọng vào nhóm cử tri lớn tuổi từng ủng hộ ông Clinton trong cuộc bầu cử năm 1992 sẽ bầu cử cho bà Clinton. Tuy nhiên theo các cuộc thăm dò dư luận, các cử tri từ 65 tuổi trở lên lại ưu chuộng đảng Cộng hòa hơn. Đội ngũ tranh cử của ông Trump hy vọng rằng nhóm người lớn tuổi ủng hộ bà Clinton sẽ không đi bầu với tỷ lệ 2/1 (trong 3 người thì sẽ có 2 người bỏ phiếu và 1 người không bỏ phiếu).
Nhiều yếu tố cản bước cử tri
Theo giới phân tích, sự khác nhau về luật bầu cử ở 50 bang có thể sẽ “chiều ý” ông Trump trong việc hạn chế số cử tri đi bầu. Trong khi bang North Dakota không yêu cầu cử tri đăng ký đi bầu, thì tại bang North Carolina đã hết hạn thời hạn đăng ký cách đây 2 tuần.
Phần lớn các bang trong danh sách mà bà Clinton cho là “an toàn” thì cử tri không cần xuất trình thẻ căn cước tại các điểm bỏ phiếu. Trong khi đó, những nơi ông Trump đang tìm cách giành phần thắng như North Carolina, Georgia, Arizona, Virginia và Florida lại yêu cầu cử tri xuất trình thẻ căn cước.
Các nghị sỹ đảng Cộng hòa kiểm soát cơ quan lập pháp của các bang đó, những người nói rằng động cơ của họ là tránh cử tri gian lận, cũng thừa nhận rằng quy định này sẽ hạn chế những cử tri da đen và những người gốc Tây Ban Nha vốn ủng hộ đảng Dân chủ đi bỏ phiếu.
Quy định về ngày bầu cử Mỹ cũng khiến cử tri gặp khó khăn trong việc đi bầu. (Nguồn: Windsor Democrats)
Ngoài ra, ngày bầu cử của Mỹ - thứ Ba đầu tiên sau thứ Hai đầu tiên trong tháng 11 - cũng được xem là một trong những yếu tố cản bước cử tri vì đây là một ngày làm việc bình thường.
Quy định ngày bỏ phiếu này (Quốc hội Mỹ thông qua năm 1845) được cho là chỉ phù hợp với bối cảnh nông nghiệp của Mỹ hồi thế kỷ 19. Họ chọn ngày thứ Ba đầu tiên sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11 để tránh cuộc bầu cử rơi vào ngày 1/11, trùng vào ngày lễ các thánh (All Saints Day) và tránh cuối tuần là khoảng thời gian họp chợ. Thêm vào đó, tháng 11 cũng là tháng nông nhàn.
Nhưng cho đến nay một thế kỷ rưỡi đã trôi qua, có lẽ đã đến lúc phải có sự thay đổi để cho người Mỹ có thể thuận lợi hơn và có động lực tốt hơn để đi bỏ phiếu.
Theo Nhã Anh/Aljazeera
Thế giới và Việt Nam
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn