3 lựa chọn khó để Malaysia giải cứu công dân ở Triều Tiên

Chủ nhật - 19/03/2017 08:05

3 lựa chọn khó để Malaysia giải cứu công dân ở Triều Tiên

4 nhà ngoại giao Malaysia cùng gia đình đang mắc kẹt tại Triều Tiên nhưng Kuala Lumpur không có nhiều lựa chọn trong tay để giải cứu công dân.

Cảnh sát Malaysia phong tỏa đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur hôm 7/3. Ảnh: AP

Malaysia hiện còn 9 công dân mắc kẹt tại Triều Tiên. Căng thẳng ngoại giao giữa hai nước leo thang nhanh chóng từ sau vụ người đàn ông mang hộ chiếu Triều Tiên tên Kim Chol, nghi là Kim Jong-nam, anh lãnh đạo Kim Jong-un, bị sát hại hồi giữa tháng trước tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Malaysia và Triều Tiên ngày 7/3 ra lệnh cấm công dân nước đối phương xuất cảnh khỏi quốc gia mình, theo CNN.

Theo Ming Wan, giáo sư nghiên cứu về chính phủ và chính trị tại Đại học George Mason, bang Virginia, Mỹ, Malaysia có rất ít lựa chọn trong tay để giải quyết vấn đề. "Họ đang bế tắc", ông Ming nói.

Bình luận viên Joshua Berlinger từ CNN nêu ba phương án Malaysia có thể cân nhắc nhằm giải thoát công dân, từ viển vông cho đến khả thi nhất.

Đại sứ quán Triều Tiên tại Malaysia vứt 4 máy tính rút ruột

Đột nhập giải cứu

Hoàn cảnh của các nhà ngoại giao Malaysia ở Triều Tiên hiện tại có một số điểm tương đồng với cuộc khủng hoảng con tin Iran năm 1979. Nhưng một kế hoạch giải cứu như trong bộ phim "Argo" dường như không phải phương án khả thi, nhà phân tích an ninh quốc gia Steve Hall nhận định.

"Argo" kể câu chuyện có thật về phi vụ điệp viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Tony Mendez lên kế hoạch tổ chức quay một bộ phim giả để bí mật đưa công dân Mỹ khỏi Iran.

"Giờ đây khi mọi chuyện đã được công khai, tất cả mọi người đều biết về nó, tôi không nghĩ phương án bí mật đưa công dân rời đi là khả thi", Hall nói.

Nhượng bộ

Kuala Lumpur có thể chọn cách đáp ứng yêu cầu từ Bình Nhưỡng, đảm bảo an toàn cho công dân Triều Tiên tại Malaysia với niềm hy vọng rằng Triều Tiên sẽ để các công dân Malaysia xuất cảnh. Song đây là một khả năng hiếm hoi, theo Berlinger. Bình Nhưỡng có lẽ chỉ cho phép người Malaysia xuất cảnh khi đạt được những đáp ứng có lợi từ Kuala Lumpur, đặc biệt trong nghi án Kim Jong-nam.

"Chúng tôi chưa có bất kỳ hành động tiêu cực nào chống lại Triều Tiên. Cái chúng ta đang đối mặt là hệ quả từ hành động của họ sát hại công dân tại Malaysia, trên đất Malaysia, sử dụng một loại vũ khí hóa học bị cấm", Thủ tướng Malaysia Najib hôm 8/3 nhấn mạnh, đánh dấu lần đầu tiên Malaysia cáo buộc Triều Tiên sát hại công dân nghi là Kim Jong-nam. Bình Nhưỡng nhất quyết phủ nhận.

Dựa vào các tuyên bố mạnh mẽ mà giới lãnh đạo Malaysia đưa ra thời gian qua, Berlinger cho rằng Kuala Lumpur sẽ không nhân nhượng.

Mặt khác, trước bối cảnh cuộc tổng tuyển cử ở Malaysia sắp diễn ra, Thủ tướng Najib không thể tỏ ra yếu đuối, ông Razali bình luận.

Thỏa hiệp

Cảnh sát Malaysia phong tỏa đại sứ quán Triều Tiên

Lãnh đạo hai nước cùng ngồi vào bàn thảo luận là một phương án khả thi, theo Berlinger.

Thủ tướng Najib từng cho hay ông sẵn sàng đàm phán. Malaysia sẽ không cắt đứt quan hệ ngoại giao với Triều Tiên và giữ một kênh đối thoại luôn mở. Nhưng giới chức Malaysia không rõ thực sự Triều Tiên muốn gì, theo ông Najib.

Theo CNN, Bình Nhưỡng hiện rất quan tâm tới ba công dân được cho là đang ẩn náu bên trong Đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur. Giới chức Malaysia tìm kiếm những người này nhằm phục vụ cuộc điều tra cái chết của người đàn ông mang hộ Triều Tiên tên Kim Chol. Họ có thể nắm các thông tin nhạy cảm mà Bình Nhưỡng không muốn lộ ra.

Nếu trao trả ba người Triều Tiên kể trên, Malaysia nhiều khả năng sẽ đảm bảo được an toàn cho công dân của mình. Nhưng cảnh sát Malaysia đã khẳng định rõ ràng rằng họ quyết không để người Triều Tiên trong sứ quán rời đi dễ dàng.

Áp lực quốc tế cũng là một lựa chọn song khó thành công. Triều Tiên đã phải hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt vì chương trình hạt nhân và tên lửa họ theo đuổi song dường như chúng không đủ sức nặng để khiến Bình Nhưỡng dừng lại, giới quan sát nhận định.

Trung Quốc, đối tác quan trọng của Triều Tiên, có thể góp một phần tiếng nói thuyết phục Bình Nhưỡng đàm phán. Tuy nhiên, dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ảnh hưởng từ Trung Quốc đối với Triều Tiên không còn như trước, chuyên gia đánh giá.

"Tôi không thấy bất kỳ ai đủ khả năng gây áp lực lên họ (Triều Tiên)", Wan nói. "Tôi nghĩ chúng ta còn phải theo dõi thêm một thời gian nữa".

Dù quyết định đi con đường nào, Thủ tướng Malaysia cũng sẽ phải đối mặt với tình huống khó khăn.

"Chưa bao giờ xảy ra chuyện các nhà ngoại giao Malaysia lại bị kẹt trong cuộc đối đầu ăn miếng trả miếng giữa nước này với một quốc gia khác", Yang Razali, chuyên gia chính trị người Malaysia làm việc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, trụ sở ở Singapore, nhận xét.

Một tháng quan hệ Malaysia - Triều Tiên lao dốc. Đồ họa: Việt Chung (click vào ảnh để xem chi tiết)

Vũ Hoàng

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây