Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: LA Times |
Bà là một nhà vật lý thận trọng, người thường cân nhắc kỹ khi ra quyết định và và không thích thú sự chú ý tuy bà là nhà lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu.
Ông là trùm bất động sản giàu có ở New York, người khá bộc trực và luôn thích làm tâm điểm chú ý.
Thật khó tưởng tượng hai nhà lãnh đạo nào có phong cách trái ngược nhau hơn Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo SCMP.
Ngày 17/3, họ sẽ gặp nhau lần đầu tiên. Đây sẽ là sự kiện được chính quyền khắp thế giới theo dõi để tìm hiểu về tương lai của liên minh xuyên Đại Tây Dương - quan hệ đối tác giúp hình thành trật tự toàn cầu kể từ sau Thế chiến II.
"Liệu họ có thành bạn thân không? Chắc là không. Họ có tính cách rất khác biệt", Charles Kupchan, cố vấn chính sách châu Âu dưới thời Obama, cho biết.
"Nhưng tôi nghĩ rằng họ có sự quan tâm mạnh mẽ, cả về chính trị và chiến lược, trong việc học cách làm việc cùng nhau. Đó là cuộc họp với lãnh đạo nước ngoài quan trọng nhất của Tổng thống Trump".
Nicholas Burns, cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ, nói rằng cuộc gặp này mang ý nghĩa lớn về mối quan hệ của Trump với châu Âu. "Đây là một trong những thời điểm quan trọng nhất trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ của Trump".
Các quan chức Đức cho hay bà Merkel, 62 tuổi, đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến đi của mình. Cuộc gặp này ban đầu dự kiến diễn ra vào ngày 14/3 nhưng bị hoãn đến ngày 17/3 do cơn bão mạnh ở Washington.
Phát ngôn viên Nhà Trắng thông báo cuộc gặp bị hoãn đến ngày 17/3Họ nói rằng bà đã xem các bài phát biểu của ông Trump và đọc các cuộc phỏng vấn của ông, bao gồm cả bài phỏng vấn dài với tạp chí Playboy năm 1990, trong đó ông đã nhắc đến những ý tưởng gây tranh cãi mà sau này ông cố gắng thực hiện với tư cách tổng thống Mỹ.
Các phụ tá của bà cũng phân tích cuộc gặp gỡ của ông Trump với các nhà lãnh đạo khác - bao gồm Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Họ đã trao đổi với một số đối tác về cách làm việc với ông Trump - cựu ngôi sao truyền hình thực tế khó đoán.
Bà Merkel thừa nhận bà không thích những bất ngờ. Khi còn bé, bà đã lập danh sách quà Giáng sinh mà mình mong muốn từ vài tháng trước để tránh nhận được quà bất ngờ.
Tuy nhiên, với một lãnh đạo khó đoán như Trump, bà rất có thể gặp những tình huống bà không mong đợi. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã gây chú ý với cái bắt tay kéo dài 19 giây với Trump, Thủ tướng Anh Theresa May bị một số cơ quan truyền thông Anh chỉ trích vì nắm tay Trump khi đi trong Nhà Trắng.
Cái bắt tay 19 giây giữa Trump và AbeMột quan chức cao cấp Đức cho biết: "Chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng vì ông ấy không thích nghe phát biểu dài dòng, ông ấy thích những quan điểm rõ ràng và không muốn nghiên cứu chi tiết".
Hai lãnh đạo còn có quan điểm trái ngược về chính sách kinh tế và đối ngoại. Trong khi Trump nói rất ít về Merkel trong 7 tuần làm việc đầu tiên, ông từng gọi EU là "một chiếc xe cho Đức" và chỉ trích chính sách mở cửa với người tị nạn của Merkel trong chiến dịch tranh cử tổng thống.
"Tôi rất tôn trọng bà ấy. Tôi cảm thấy bà ấy là một nhà lãnh đạo tuyệt vời", ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn vào tháng một. "Nhưng tôi nghĩ bà ấy đã mắc một sai lầm cực kỳ lớn, đó là thu nhận tất cả những người bất hợp pháp này".
Ông đã đe dọa áp đặt thuế với các nhà sản xuất ôtô Đức. Ông chỉ trích Berlin vì không chi nhiều hơn cho quốc phòng. Một nguồn căng thẳng khác là thặng dư thương mại 50 tỷ EUR của Đức với Mỹ. Cố vấn của Trump, Peter Navarro, đã cáo buộc Đức có được những lợi thế thương mại không công bằng thông qua đồng EUR yếu. Merkel và các bộ trưởng Đức thì chỉ ra rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu - chứ không phải Berlin - kiểm soát số phận của đồng tiền chung châu Âu.
Trump nắm tay Theresa May tại Nhà TrắngNga cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của cuộc gặp. Các quan chức Nhà Trắng cho biết Trump sẽ tìm kiếm lời khuyên từ Merkel về cách đối phó với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Merkel đã chỉ trích lệnh cấm nhập cảnh của Trump nhằm vào các công dân một số nước Hồi giáo. Trong cuộc điện đàm vào tháng một, bà giải thích với Trump rằng Công ước Geneva bắt buộc những bên ký, trong đó có Mỹ, phải nhận người tị nạn chiến tranh vì lý do nhân đạo.
Merkel cũng lo ngại rằng Trump, người nhiều lần ca ngợi quyết định rời khỏi EU của Anh, có thể tiếp tục làm suy yếu khối này bằng những phát ngôn vào thời điểm các đảng dân túy chống EU đang trỗi dậy.
"Châu Âu đang ở trong tình trạng bấp bênh và Đức đang cố gắng đảm bảo rằng Liên minh châu Âu có thể được duy trì. Tôi cho rằng thủ tướng Đức sẽ muốn làm rõ điều này với tổng thống Mỹ", Anthony Gardner, cựu đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu, nói.
"Đây là cơ hội để phác thảo những lĩnh vực có lợi ích chung, để xác định chương trình nghị sự tích cực", ông nói thêm. "Nhưng một cuộc gặp đơn lẻ sẽ không thể thay đổi được toàn bộ bầu không khí".
Phương VũNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn