Tôi 27 tuổi, vừa thất nghiệp tuần trước và đang trong giai đoạn tìm việc mới. Tâm trạng không mấy vui vẻ nên tôi tranh thủ về quê nghỉ ngơi và do cũng vài tháng rồi chưa thăm gia đình. Tôi vốn định ở quê hai ngày, nhưng chưa đầy 24 tiếng đã phải xách balô đi sau một trận to tiếng với bố. Sự việc cũng chẳng có gì, đơn giản là bố quan tâm đến tình hình của tôi nên “hỏi thăm”. Tính cách của bố từ xưa vốn rất khó chịu, đó là lý do bao nhiêu năm qua chẳng ai trong gia đình chúng tôi thân thiết được với ông, đặc biệt là tôi. Hôm đó, ông hỏi về công việc của tôi, sau hỏi sang chuyện nhà cửa đang ở bị hỏng vài thứ cần sửa và ông chỉ trích tôi về việc chỉ biết gọi cho mẹ mà không gọi cho ông. Như những lần khác, tôi chẳng thể trả lời ông là vì "con không thích gọi cho bố". Cuối cùng ông nói sang chuyện hôn nhân của tôi.
Tôi có bạn trai hơn 7 năm nhưng công việc của anh mãi chưa ổn định, cứ thường xuyên nhảy việc rồi thất nghiệp, thu nhập cũng kém hơn tôi. Ngoài ra, tôi thực sự không có hứng thú với việc kết hôn. Đối với bạn trai, đến thời điểm này quan điểm của tôi là: chúng tôi hợp nhau, có thể đi đến hôn nhân, nhưng tôi không muốn kết hôn chỉ vì áp lực của gia đình hay người xung quanh. Cả hai đều thống nhất trong suốt thời gian qua là không vội vã vấn đề này. Tất nhiên, là phụ nữ hay lo xa, lại thêm tính cầu toàn của bản thân, thỉnh thoảng tôi cũng thử hỏi về kế hoạch của anh, không phải để giục mà là để lên kế hoạch của mình cho phù hợp, vì việc này còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề như công việc, tài chính, học hành lên cao nữa.
Tôi liên tục bị tra tấn bởi câu hỏi: “Bao giờ lấy chồng”. Tôi phát cáu, áp dụng phương pháp "mưa dầm thấm lâu" với mẹ. Mẹ cũng “sợ” nên không nói nhiều. Chỉ có bố, cách “quan tâm” của ông làm tôi khó chịu vô cùng. Ông hỏi thăm mà như tra khảo đã đành, tôi nhịn, cố trả lời. Nhưng cái kiểu áp đặt tư tưởng cổ hủ của ông và đỉnh điểm là những lời lẽ vừa thể hiện một sự thật rằng ông không hiểu, không tin tưởng là một sự xúc phạm ghê gớm đối với tôi, khiến tôi không còn muốn ngồi nghe nữa, liền bỏ ra ngoài.
Khi tôi nói chưa muốn kết hôn, ông bảo tôi “ích kỷ, chỉ biết học hành phấn đấu cho bản thân”. Tôi nói yêu và cưới là 2 chuyện khác nhau, đâu cứ phải yêu là sẽ cưới. Bố lại nói tôi “yêu kiểu trăng hoa”. Tôi bảo chuyện kết hôn còn phải cân nhắc nhiều yếu tố khác, cả về gia đình họ hàng đối phương, ông bảo “Chừng ấy thời gian chưa đủ à”.
Thấy tôi vùng vằng bỏ đi, ông liền mắng tôi là “đồ mất dạy”, còn cằn nhằn với mẹ. Tôi kệ, lập tức bỏ xuống Hà Nội. Đang stress vì công việc, về nhà tưởng được thoải mái đầu óc chút mà còn thế thì nghỉ ngơi gì nữa. Tôi chán nản với kiểu tư duy của bố. Nhà tôi có dì ruột từng kết hôn muộn, nhưng ông bà ngoại không áp lực với dì như vậy. Thực ra dì giỏi hơn tôi, ông bà tự hào về dì và cũng hiền lành hơn bố tôi nhiều. Nhưng bất kể thế nào, như tôi từng tuyên bố thẳng với mẹ: “Nếu bố mẹ đơn giản chỉ muốn con lấy chồng vì sợ mang tiếng có đứa con gái ế thì cứ coi như không có đứa con này nữa cũng được. Bố mẹ rốt cuộc là muốn con sống hạnh phúc hay chỉ muốn bản thân mình hạnh phúc”.
Tôi chẳng thể hiểu nổi các ông bố bà mẹ cứ cuống quýt khuyên nhủ, giục, rồi thậm chí đe dọa, cưỡng ép con gái lấy chồng để thoát tiếng ế làm gì nhỉ? Tôi chẳng cảm thấy mình có gì ích kỷ khi chưa muốn hay sau này không muốn kết hôn cả. Nếu các bậc phụ huynh cứ giữ suy nghĩ rằng họ sinh ra và nuôi dạy con cái nên con cái phải có nghĩa vụ báo hiếu, phải lấy chồng sinh con thì mới là ích kỷ.
Trên mạng đã có vô vàn lời tâm sự của những người đồng cảnh ngộ với tôi. Tôi chẳng muốn lý luận nhiều về việc được – mất của hôn nhân nữa, chỉ muốn nhắn nhủ đến các bậc làm cha mẹ: Xin hãy tôn trọng quyền tự do tìm kiếm hạnh phúc của con cái mình, đừng áp đặt tư tưởng lạc hậu cổ hủ và ích kỷ của bản thân lên cuộc sống riêng của con cái nữa.
NhưNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn