Dồn vào dệt may, nhựa
Vốn FDI từ Trung Quốc đạt 721,7 triệu USD, chiếm 21% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Đây là điều khác biệt bởi trong nhiều năm qua, top 5 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam ít có sự góp mặt của nhà đầu tư Trung Quốc.
Theo đó, nhà đầu tư Trung Quốc đăng ký thực hiện 123 dự án và 174 lượt mua cổ phần. Một số dự án tiêu biểu như: Nhà máy sản xuất Polyester và sợi tổng hợp Billion Việt Nam (vốn 220 triệu USD) đầu tư tại Tây Ninh. Dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Lan Sơn và Nhà máy nhựa Khải Hồng Việt (vốn 150 triệu USD) do Cty Wenzhou Hendy Mechanism and Plastics Co., Ltd (Trung Quốc) đầu tư tại Bắc Giang.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, sắp tới, sẽ có xu hướng chuyển dịch vốn từ Trung Quốc vào các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ở các nước như Philippines, Malaysia, Thái Lan..., nhà đầu tư Trung Quốc đều đổ vốn vào những dự án khổng lồ.
“Có ý kiến lo ngại vốn đầu tư Trung Quốc không mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam xét về môi trường, công nghệ… Nhưng Việt Nam không thể từ bỏ cuộc chơi với Trung Quốc mà quan trọng phải biết cach chơi; phải chọn lọc, sử dụng phát triển công nghệ, phát triển kinh tế”, TS Nghĩa nói.
Trong quá trình hoạt động tại Việt Nam, nhiều công ty ngành dệt nhuộm đến từ Trung Quốc xả thải trực tiếp ra môi trường và bị cơ quan chức năng xử phạt.
Giám sát chặt công nghệ
GS.TS Ngô Thắng Lợi (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, khi tiếp nhận dự án FDI, chúng ta không chỉ quan tâm lượng thu hút vào nhiều hay ít nữa mà phải chú ý đến chất lượng của dòng vốn. Mục tiêu của kinh tế Việt Nam hiện nay hướng tới tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường chứ không phải tăng trưởng bằng mọi giá.
“Không phải mọi dòng vốn FDI từ Trung Quốc đều đi kèm với chất lượng không đảm bảo, chúng ta không thể đánh đồng dự án tốt và dự án chưa tốt. Quan trọng là việc giám sát nguồn vốn và yêu cầu công nghệ như thế nào”, ông Lợi đánh giá.
Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, mặt bằng công nghệ của Trung Quốc tốt, nhưng chúng ta phải giám sát công nghệ chuyển sang Việt Nam có đúng ở nước họ đang sử dụng, hay chỉ là công nghệ cũ, đồ phế thải. Chính sách thu hút FDI cần nêu rõ ràng hơn về tiêu chuẩn công nghệ, môi trường. Đồng thời, Nhà nước phải giám sát được việc nhập thiết bị, công nghệ, không nên phó mặc cho nhà đầu tư.
PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) đánh giá, quy mô FDI đổ vào Việt Nam đang tăng lên đáng kể. Do đó, cơ quan quản lý có thể từ chối, không chấp thuận mở rộng, thậm chí rút giấy phép các dự án đầu tư gây tác động xấu đến môi trường, công nghệ lạc hậu hoặc các hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư.
“Cơ quan chức năng cần quyết liệt điều chỉnh cơ cấu FDI theo hướng phục vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Ưu tiên, chú trọng thu hút FDI vào các ngành công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao và có giá trị gia tăng cao, đầu tư mở rộng hoạt động nghiên cứu và phát triển. Tăng cường tiếp cận với các nhà đầu tư có vốn đầu tư lớn và công nghệ cao, đội ngũ nhân lực trình độ cao, nhất là của các tập đoàn xuyên quốc gia”, ông Lạng nói.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn