Nhà giá rẻ đáp ứng 1% nhu cầu
Ngày 22/2, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết, hiệp hội vừa có văn bản đề xuất về cơ chế, chính sách để phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở thương mại giá rẻ cho phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố. Theo ông Châu, để có những đề xuất này, HoREA đã dựa trên tham khảo về kinh nghiệm mô hình phát triển các khu nhà ở an sinh xã hội với căn hộ diện tích 30m2, giá bán từ 100 - 200 triệu đồng/căn của tỉnh Bình Dương.
“Dự kiến cuối tháng 2/2017, hiệp hội sẽ tổ chức buổi hội nghị với mục đích huy động doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ trên địa bàn”, ông Châu chia sẻ.
Từ thành công của Bình Dương với dự án NOXH diện tích 30m2 giá 100 – 200 triệu đồng/căn cho công nhân, người lao động nghèo, ông Lê Hoàng Châu đánh giá TP.HCM hoàn toàn có khả năng làm theo mô hình này tại một số khu vực có điều kiện tương đồng. Cụ thể, phải có sẵn hệ thống hạ tầng giao thông, ở gần khu công nghiệp, có tiện ích dịch vụ cơ bản.
Hiệp hội BĐS TP.HCM đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị để thành phố phát triển chương trình nhà ở xã hội.
Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chi tiết để dành quỹ đất làm NƠXH như tại Khu chế xuất Linh Trung I,II,III (326 ha), Khu công nghệ cao (913 ha), công viên phần mềm Quang Trung (43 ha), Đại học quốc gia TP.HCM (647 ha; trong đó có khoảng 2/3 diện tích thuộc Bình Dương). Riêng Khu đô thị công nghiệp cảng biển Hiệp Phước (3.600 ha), Khu chế xuất Tân Thuận (320 ha)…
Theo chủ tịch HoREA, với quỹ đất của TP.HCM như nói trên có thể xây dựng được khoảng 10.000 căn NƠXH diện tích 30m2/căn và có giá bán từ 100 – 200 triệu đồng/căn, nhưng con số người mua được chỉ chiếm 1% người có nhu cầu, như muối bỏ bể.
“Như vậy, đa số công nhân, lao động, người thu nhập thấp và người nhập cư sẽ không còn loại nhà này để mua, nên chưa đảm bảo công bằng xã hội và cũng chưa giải quyết được nhu cầu rất lớn của xã hội. Trong khi đó các khu công nghiệp, khu công nghệ cao lại cần phát triển NƠXH cho thuê thì phù hợp với nhu cầu thực tế”, ông Châu chia sẻ.
Tháo "nút thắt" chỉ tiêu dân số
Một trong những đề xuất chủ yếu của HoREA đó là thành phố nên sử dụng hợp lý và hiệu quả quỹ đất công để tạo quỹ đất phát triển NƠXH, như quỹ đất ở các nhà xưởng sản xuất ô nhiễm bị di dời, quỹ đất NƠXH được trích lập từ dự án nhà ở thương mại…
Bên cạnh đó, hiệp hội kiến nghị nên sửa đổi một số cơ chế, chính sách đang cản trở phát triển NƠXH. Cụ thể, cho doanh nghiệp thí điểm xây dựng dự án căn hộ cho thuê, nhà trọ, phòng trọ cho thê có diện tích dưới 25m2; cần có nguồn vốn vay thay thế gói 30.000 tỷ đồng; phân cấp cho tỉnh, thành phố phê duyệt tất cả các dự án NƠXH ở địa phương; cho phép Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở kỹ thuật các công trình cấp 1 trong quy trình cấp phép xây dựng…
Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia phát triển NƠXH, HoREA kiến nghị UBND TP.HCM tháo “nút thắt” chỉ tiêu dân số ở các quận, huyện. Ông Lê Hoàng Châu lý giải, bởi trong công tác chỉnh trang đô thị các khu dân cư cũ lụp xụp, thấp tầng đòi hỏi phải chỉnh trang theo ô phố, khu phố, và phát triển lên cao tầng để làm tăng độ thông thoáng, cây xanh, đường giao thông trên mặt đất.
Với quy mô dân số thực tế của TP.HCM đã lên đến gần 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư, dân số thành phố chỉ có 8,3 triệu người dẫn đến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố trong trung hạn, dài hạn không chuẩn xác.
Khảo sát của Sở Xây dựng TP.HCM, Viện nghiên cứu phát triển cho thấy tại TP.HCM hiện có khoảng 500.000 hộ chưa có nhà; có khoảng 81.000 hộ cần nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tại thành phố, thì đã có khoảng 139.000 người chưa có nhà ở, cần khoảng 80.000 căn hộ. Trong tổng số hơn 402.000 công nhân, lao động đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố thì có đến 284.000 người (chiếm 70,6%), riêng khu vực nhà máy của Công ty Pou Yuen, Q.Bình Tân đã có đến 100.000 công nhân lao động, hầu hết đều đang phải thuê nhà trọ. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn