Không chỉ hệ thống ngân hàng , các doanh nghiệp cũng có thể góp phần làm giảm tình trạng khổ sở vì chầu chực rút tiền ATM dịp Tết bằng cách trả lương, thưởng Tết sớm, hoặc chi tiền mặt cho cán bộ, công nhân viên.
Chỉ đạo quyết liệt chống ATM nghẽn mạng, hết tiền
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, trên địa bàn hiện có hơn 4.200 máy ATM đang hoạt động và 36.500 máy quẹt thẻ. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho hay, ngay từ cuối năm 2016, NHNN đã có Văn bản số 9557/NHNN-TT về việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn hoạt động ATM cho dịp Tết Nguyên đán 2017.
Theo đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng giám sát chặt chẽ mức tồn quỹ ATM để bổ sung kịp thời, tránh tình trạng ở một số khu vực như các khu công nghiệp, công nhân muốn rút mà hết tiền. Đặc biệt, trước những ngày lễ, các ngân hàng rà soát kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống ATM và trang thiết bị tại ATM nhằm đảm bảo ATM hoạt động an toàn cho đợt trước và trong dịp lễ.
Người dân nên chủ động phân bổ điểm rút tiền hoặc đến trực tiếp các điểm giao dịch, chi nhánh gần nhất để tránh phải xếp hàng chờ đợi hoặc rơi vào cảnh máy ATM hết tiền - Ảnh: Tạ Tôn
“Để tránh tình trạng tiền trong cây ATM vẫn còn nhưng do nghẽn mạng đường truyền, NHNN yêu cầu ngân hàng phối hợp với các tổ chức chuyển mạch thẻ để xử lý kịp thời các sự cố phát sinh nếu có. Bên cạnh đó, những khiếu nại, thắc mắc của khách hàng, đảm bảo các giao dịch ATM phải được tiếp nhận kịp thời”, ông Minh nói.
Khảo sát của Báo Giao thông, tại một loạt cây ATM ở khu công nghiệp Tân Bình, Q.Tân Bình (TP.HCM) của Ngân hàng Vietcombank, trên tường đều để lại số điện thoại thông báo khi có lỗi trục trặc gì thì gọi về tổng đài để ngân hàng kịp thời xử lý.
Cũng theo ông Minh, các quy định về xử phạt như nếu ngân hàng nào để ATM hết tiền trong bao lâu sẽ bị xử phạt đã có. Hơn nữa, bản thân ngân hàng cũng muốn chăm sóc khách hàng của mình, nên tình trạng ATM hết tiền, nghẽn mạng đã giảm đi rất nhiều so với nhiều năm về trước.
Đại diện một ngân hàng tại TP.HCM cho hay, ngoài vài nghìn cây ATM rải khắp cả nước, ngân hàng này đã đăng ký với NHNN để sẵn sàng có những cây ATM lưu động khi cần thiết. Nghĩa là với những khu vực đông dân cư, đông công nhân thì ngân hàng sẽ tăng cây ATM để hỗ trợ người dân rút tiền.
“Ngoài ra, các ngân hàng sẽ linh hoạt trong việc chi trả chuyển tiền vào ATM hay tiền mặt. Nghĩa là dựa vào tình hình thực tế và nhu cầu chi lương thưởng của doanh nghiệp, ngân hàng sẽ linh động cử nhân viên xuống chi tiền mặt trực tiếp trong 2 ngày cao điểm giáp Tết”, ông Minh thông tin.
Doanh nghiệp cũng phải “vào cuộc”
Chị Thùy Trang, nhà ở Q.6, TP.HCM, công nhân một xưởng may trong một khu công nghiệp cho biết, vào dịp Tết Dương lịch, công ty vẫn trả lương cho công nhân qua thẻ ATM. Tuy nhiên, để tránh phải xếp hàng chờ đợi cây ATM trước cổng khu công nghiệp, tôi đi về gần nhà rút nên cho đỡ mất thời gian.
Ông Phạm Hải Long, Tổng công ty CP Thực phẩm nông sản xuất khẩu Sài Gòn (AGX) cho hay, nhà máy có hàng trăm nhân viên, lương thưởng vẫn trả bình thường nhưng do đặc thù mỗi đơn vị nên có người trả vào ngày mùng 1 đầu tháng, cũng có người trả sớm hơn vào những ngày cuối tháng. Việc trả lương vào các ngày khác nhau cũng sẽ giảm áp lực rút tiền cùng một thời điểm tại các cây ATM. “Để tránh phải xếp hàng chờ đợi, cũng như chờ đến ngày 30 Tết mới rút tiền, người dân nên đi rút sớm hơn để chủ động chi tiêu trong dịp Tết. Với công ty chúng tôi, thay vì đúng ngày cuối cùng nghỉ lễ mới chi thưởng và lương thì trước đó một tuần đã chi trả. Với việc chi trả sớm sẽ giúp người lao động chủ động trong việc rút tiền đi mua sắm chi tiêu”, ông Long nói.
Ông Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc Trung tâm Thẻ Sacombank cho biết: Nhu cầu rút tiền mặt của người dân vào dịp cuối năm cũ - đầu năm mới thường tăng gấp 2-3 lần ngày thường. Tuy nhiên, đây là vấn đề mà các ngân hàng đều lường trước được và có sự chuẩn bị vì mỗi năm có thể diễn biến khác nhau. “Về phía Sacombank, nhiều dịp lễ, Tết, ngân hàng vẫn tăng cường tiếp quỹ ATM ngoài giờ và cả ngày nghỉ; tăng cường nhân sự trực hệ thống để giám sát chặt chẽ mức tồn quỹ và các sự cố liên quan ATM để xử lý kịp thời”, ông Phúc nói.
Đại điện Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng khẳng định, hệ thống ATM có phần mềm theo dõi tự động giám sát hoạt động sẽ cập nhật liên tục lượng tiền trên từng máy. Khi máy ATM nào gần hết tiền sẽ tự động cảnh báo về trung tâm, cũng như khi máy ATM bị sự cố cũng được tự động báo về. Trung tâm xử lý phân công người trực theo dõi hệ thống 24/24h để đảm bảo xử lý kịp thời khi có phát sinh.
Mặc dù NHNN cũng như các ngân hàng và doanh nghiệp đã có giải pháp để tránh tình trạng người dân không rút được tiền khi ATM nghẽn mạng, hoặc hết tiền, tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo, thay vì sau khi nhận lương kéo nhau ra một cây ATM trước khu công nghiệp, khu đông dân cư rút tiền, người dân có thể di chuyển đến cây ATM khu vực khác. Ngoài ra, để tránh tình trạng có sự cố xảy ra, người dân nên rút tiền sớm, không nên dồn hết vào những ngày cận Tết, hoặc có thể đến trực tiếp các chi nhánh, phòng giao dịch gần nhất của ngân hàng để rút tiền.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn