Sau vụ khách VIP mất tiền tỷ tại Eximbank, hệ thống ngân hàng phải lên tiếng cảnh báo và phòng chống
Ngày 1/3, Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) đã giới thiệu đến khách hàng cách thức theo dõi chi tiết các khoản tiết kiệm của khách hàng đang gửi tại Ngân hàng. Theo đó, khách hàng chỉ cần truy cập vào website của Maritime Bank là có thể nắm rõ mọi thông tin cập nhật nhất của sổ.
Giải pháp của Maritime Bank nhằm xóa tan những lo lắng của nhiều khách hàng trong thời gian gần đây khi được nghe về những rủi ro mất tiền tiết kiệm trong ngân hàng. Theo ngân hàng, dịch vụ này sẽ giúp khách gửi tiền kiểm soát số dư tiết kiệm trên từng tài khoản và phát hiện kịp thời các giao dịch bất thường.
Tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - nơi xảy ra sự việc mất 245 tỷ đồng của nữ khách hàng Chu Thị Bình - Ngân hàng đã bổ sung dịch vụ thông báo biến động số dư tiền gửi, tiết kiệm có kỳ hạn qua tin nhắn SMS. Theo đó ngân hàng, dịch vụ này sẽ giúp khách gửi tiền kiểm soát số dư tiết kiệm trên từng tài khoản và phát hiện kịp thời các giao dịch bất thường.
Một ngân hàng phía Nam khác vốn có đông khách hàng người dân gửi tiền là Ngân hàng Thương Tín Sài Gòn (Sacombank) cũng thông báo cho phép tra cứu từ xa tiền gửi tiết gửi tại nhà băng này.
Theo đó, để theo dõi và quản lý nguồn tài chính của mình, khách hàng gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại Sacombank có thể tra cứu từ xa thông tin về thẻ tiết kiệm thông qua ngân hàng điện tử hoặc tra cứu bằng cách nhập số tài khoản thẻ tiết kiệm trên trang web của ngân hàng này. Khi tra cứu, hệ thống sẽ hiển thị đầy đủ các thông tin như số tài khoản, tên sản phẩm, số tiền gửi, kỳ hạn, ngày đáo hạn, lãi suất… của tất cả các thẻ tiết kiệm khách hàng mở tại Sacombank.
Với một số ngân hàng có hệ thống core banking lắp đặt sau như Ngân hàng Tiên Phong (TPbank) hay Ngân hàng Đại Chúng (PVcombank) thì dịch vụ này đã có ngay khi khách hàng gửi tiền. Tại PVcombank, ngay khi gửi sổ, khách hàng sẽ được cấp 1 số tài khoản gọi là tài khoản tiết kiệm, bất cứ giao dịch nào rút tiền ra, gửi tiền vào hay đến ngày giờ trả lãi, đều được hệ thống cập nhật tự động và gửi tin nhắn đến số điện thoại đã đăng ký của khách hàng.
Theo quy định, người gửi tiền phải thực hiện giao dịch gửi rút tiền tại trụ sở, chi nhánh phòng giao dịch ngân hàng. Ảnh minh họa
Trước đó, Ngân hàng Đại dương (OceanBank) cũng có động thái tương tự sau khi hàng loạt sổ tiết kiệm trị giá hơn 400 tỷ đồng bỗng dưng “bốc hơi” tại một chi nhánh ở Hải Phòng hồi năm ngoái. Hay như TPBank, từ đầu năm 2016, đơn vị này đã đưa ra giải pháp dùng QR Code để kiểm tra thông tin sổ tiết kiệm. Theo đó, mỗi sổ tiết kiệm TPBank phát hành sẽ gắn một mã QR mà khi tra cứu có thể đưa ra thông tin về tình trạng sổ tiết kiệm.
Nhận xét về việc bổ sung tính năng tra cứu sổ tiết kiệm này, theo các chuyên gia ít nhất đây cũng là cách các nhà băng xử lý tình huống kịp thời để giảm thiểu rủi ro khi có giao dịch bất thường xảy ra trong tài khoản tiết kiệm của khách hàng. Tuy nhiên, đây cũng chưa thực sự giải quyết “tận gốc” vấn đề, tức là rủi ro mất tiền nếu có cán bộ ngân hàng vẫn cố tình sai phạm. Do đó vẫn cần tăng cưởng giám sát chéo.
Một chuyên gia cũng phân tích: Vấn đề lõi hiện nay vẫn nằm tại quy định của NHNN mà các ngân hàng cần tuân thủ, đó là người gửi tiền phải thực hiện giao dịch gửi rút tiền tại trụ sở, chi nhánh phòng giao dịch nơi được quy định thực hiện hoạt động ngân hàng (ngoại trừ gửi tiết kiệm online)....
Ngoài ra, như trả lời của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 1/3, trong hoạt động kinh doanh, các tổ chức tín dụng hoạt động tuân thủ quy định hướng dẫn của NHNN và trong chỉ đạo điều hành phía NHNN không có sự phân biệt khách hàng VIP với khách hàng bình thường.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn