Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 1-2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 1,42 tỉ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI giải ngân trong tháng 1-2017 ở mức 850 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ.
Công xưởng của khu vực
Năm ngoái, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 24,3 tỉ USD, trong đó vốn giải ngân hơn 15,8 tỉ USD là mức giải ngân cao nhất từ trước tới nay. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo thu hút nhiều dòng vốn FDI nhất với tổng vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới hơn 9,8 tỉ USD, ngoài ra, hoạt động kinh doanh bất động sản, ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy... cũng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại.
Mới đây, liên quan đến việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khiến nhiều người lo ngại dòng vốn ngoại vào Việt Nam sẽ sụt giảm. Tuy nhiên, với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã, đang tham gia, thêm môi trường đầu tư hấp dẫn, lợi thế về giá nhân công, Việt Nam vẫn là công xưởng của khu vực.
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho biết nhiều tổ chức tài chính , hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như Amcham, Eurocham... đều đánh giá tích cực về môi trường đầu tư của Việt Nam. Có khoảng 60%-65% DN FDI đang làm ăn ở Việt Nam cho biết có ý định đầu tư mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian tới. Và so với các quốc gia trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn nổi lên như một điểm đến cạnh tranh nhờ kinh tế vĩ mô, chính trị ổn định, tốc độ tăng GDP ở mức cao...
Công nhân đang làm việc tại nhà máy Samsung
Lan tỏa đến các DN trong nước
Trong câu chuyện thu hút vốn FDI, theo các chuyên gia, vấn đề hiện nay là làm sao để khu vực FDI lan tỏa tới các DN trong nước và tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế. Theo GS Nguyễn Mại, điều này cần thời gian. Như Tập đoàn Samsung, năm 2007 họ bắt đầu rót vốn 650 triệu USD vào nhà máy đầu tiên ở Bắc Ninh, sau đó nâng tổng mức đầu tư lên 6 tỉ USD cho cả 2 nhà máy ở Bắc Ninh và Thái Nguyên. Lúc này, chỉ có 87 DN phụ trợ trong đó có 78 DN nội địa. Đến khi Samsung đầu tư tiếp dự án 2 tỉ USD sản xuất sản phẩm điện tử, điện lạnh tại TP HCM, đã có hơn 100 nhà cung cấp phụ trợ là DN Việt.
“Trong điều kiện DN nội địa vốn ít, công nghệ thấp thì không thể đòi hỏi tham gia ngay vào chuỗi giá trị gia tăng của các tập đoàn đa quốc gia, mà cần thời gian. Bản thân DN Việt cũng cần trưởng thành hơn, lựa chọn công nghệ nào phù hợp để đầu tư và có tích lũy, thậm chí cần tạo nên những thương hiệu xuất khẩu ra thế giới chứ không chỉ mãi làm gia công” - vị giáo sư này chia sẻ.
Theo Ngân hàng HSBC Việt Nam, để có thể tận dụng tốt xu hướng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam, Chính phủ cần quan tâm đến chất lượng của các dự án đầu tư nước ngoài, cụ thể tác động tới môi trường của dự án và tăng cường khả năng kết nối của các DN Việt vào chuỗi cung ứng của các DN FDI. Một xu hướng mới gần đây đã xuất hiện khi các DN FDI bắt đầu thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam để tận dụng lực lượng kỹ sư dồi dào tại chỗ.
Đại diện HSBC cho biết: “Đây là xu hướng tích cực khi chúng ta ngày càng nâng cao giá trị gia tăng để cạnh tranh với các nước khác trong khu vực. Việt Nam cần xác định những thế mạnh cạnh tranh bền vững của mình như nông nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin..., đầu tư vào công nghệ trong các lĩnh vực này để tạo giá trị cạnh tranh bền vững”.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn