Ngày 7/2, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Việc làm Hà Nội, Sở LĐ-TBXH Hà Nội cho biết: Phiên giao dịch việc làm đầu năm đã thu hút sự tham gia của gần 40 doanh nghiệp (DN) với gần 1.000 chỉ tiêu tuyển dụng.
“Trước số lượng lớn DN đang hoạt động và DN mới đăng ký, Hà Nội đang rất cần lao động phổ thông trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ thương mại. Nhu cầu việc làm trong năm 2017 chắc chắn sẽ tăng cao hơn so với 2016. Với chỉ tiêu đặt ra trong năm 2017 giải quyết 152 nghìn lao động, tôi cho rằng sẽ đạt được”, ông Phong nhận định. Ngoài ra, theo ông Phong, khác với những địa bàn khác, năm nay do các chủ DN có chính sách đãi ngộ tốt nên tình trạng người lao động “nhảy việc” đầu năm cũng đã giảm.
Người lao động tới phỏng vấn xin việc tại phiên giao dịch việc làm đầu năm do Trung tâm dịch vụ Việc làm Hà Nội tổ chức ngày 7/2
Nói về nhu cầu tìm việc của người lao động, ông Phong nhận định: Sau Tết nhu cầu tìm việc cao, chính vì thế khó tránh khỏi tình trạng lừa đảo tại các cơ sở môi giới tự do . “Hiện nay các cơ sở môi giới việc làm nở rộ, đặc biệt bùng nổ dịch vụ trên các trang mạng... Với lượng giao dịch lớn như hiện nay, đặt ra mối lo ngại về tình trạng người lao động dễ bị phân tán và lừa đảo. Qua đây, các cơ sở môi giới chính thống cũng cần phải nhìn lại mình, đa dạng cách thức tiếp cận, kết nối giao dịch việc làm đối với người lao động. Riêng với Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, tới đây, ngoài việc thúc đẩy giao dịch qua mạng hàng ngày, giao dịch theo chuyên đề, chúng tôi cũng mở rộng thêm 8 điểm giao dịch vệ tinh, bám sát địa phương, các khu công nghiệp, chung cư. Điều này giúp người lao động không cần mất thời gian để phỏng vấn tìm việc, giảm thiểu tình trạng bị đối tượng xấu lừa đảo khi xin việc”, ông Phong thông tin.
Trước đó, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết đang phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao-CATP Hà Nội, điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới hình thức xin việc làm, của hai đối tượng Trịnh Hải Anh và Phạm Văn Khương (Thanh Liêm, Hà Nam).
Theo đó, đối tượng tự nhận mình đang làm nhân viên cho Tổng công ty Viễn thông V. và có khả năng xin được chỉ tiêu tuyển dụng vào làm việc tại đây với điều kiện phải nộp phí tới 70 triệu đồng.
Đại tá Võ Hồng Phương, Trưởng CAQ Đống Đa cho biết: Những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức xin việc làm có thủ đoạn không mới, nhưng vẫn nhiều người mắc bẫy kẻ lừa đảo.
"Tội phạm lợi dụng tâm lý người lao động có nhu cầu việc làm ổn định, mức thu nhập đủ sống, nên muốn xin việc làm tại những công ty có thương hiệu và họ chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn cho người môi giới xin việc. Bên cạnh đó, tội phạm cũng thường nhằm vào những người quen, thân để dụ dỗ, mời chào và khi đã chiếm được lòng tin của họ, kẻ phạm tội đã thực hiện ý đồ xấu một cách không đắn đo và thực hiện đến cùng", Đại tá Phương nói.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn