Gia đình không đồng tình kết luận của Hội đồng chuyên môn
Theo nội dung buổi làm việc và đơn đề nghị bồi thường của gia đình thì ngày 30/6/2016, hai bên đã ký cam kết về việc hỗ trợ cho bệnh nhân Lê Hoàng Lâm sau khi bị cưa 1/3 dưới đùi phải. Tuy nhiên, bản cam kết chỉ ghi là hỗ trợ chung chung, không rõ ràng vì thế gia đình đã mời luật sư vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho người bệnh.
Trong buổi làm việc vào ngày 25/7, lãnh đạo Bệnh viện đã công bố kết quả đánh giá quá trình khám và điều trị của BS Trần Chí Khôi cho Hoàng Lâm. Sau khi nghiên cứu kết luận, trong buổi làm việc hôm nay (12/8) phía gia đình bày tỏ thái độ không đồng tình với kết luận của Hội đồng chuyên môn do Sở Y tế TPHCM (lập ngày 14/7).
Gia đình bệnh nhân cho rằng, Hội đồng chuyên môn đã nhận định có sự tắc trách của Bác sĩ Khôi nhưng nhận định này không đầy đủ khi không xác định rõ BS Khôi đã có những sai sót về chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh. Việc Bác sĩ Khôi không kiểm tra kỹ chấn thương cho bệnh nhân hoặc yêu cầu nhập viện để theo dõi tiếp nhằm xác định chính xác tình trạng bệnh mà đã vội vàng kết luận là “chấn thương phần mềm” và cho về, dẫn đến hậu quả Hoàng Lâm bị cắt cụt 1/3 dưới đùi phải là sai sót về chuyên môn.
Ngoài ra, bản kết luận đánh giá quá trình khám chữa bệnh của BS Khôi của Hội đồng chuyên môn chưa khách quan, toàn diện và đầy đủ, do Hội đồng chuyên môn chỉ xem xét thông tin từ một phía là bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, chưa lấy thông tin từ những nội dung gia đình trình bày với bác sĩ trong quá trình khám bệnh, cũng như bệnh án từ bệnh viện Mộc Hóa, tỉnh Long An để xem xét, kết luận.
Yêu cầu bồi thường 818 triệu không được chấp thuận
Tại cuộc họp với bệnh viện, ông Lê Ngọc Nam (bố bệnh nhân) đã đề nghị bệnh viện nghiêm túc nhìn nhận sai sót chuyên môn của BS Trần Chí Khôi, đồng thời yêu cầu bệnh viện bồi thường cho con của họ theo Khoản 1 Điều 76 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
Theo đó, với 2 khoản chi phí lắp chân giả và chi phí chuyển đổi nghề nghiệp bệnh viện đã cam kết sẽ hỗ trợ, trên cơ sở tham khảo bảng giá thị trường, gia đình yêu cầu bệnh viện lắp loại chân có giá 200 triệu đồng. Ngoài ra, bệnh viện phải thanh toán các khoản phát sinh trong quá trình điều trị là 50 triệu đồng.
Trường hợp sau này có phát sinh thêm chi phí do bị di chứng, cần khám, chữa bệnh từ vết thương, gia đình sẽ thông báo để bệnh viện kịp xử lý. Về chi phí chuyển đổi nghề nghiệp, gia đình đề nghị bệnh viện mở một tiệm internet cho Hoàng Lâm với chi phí là 350 triệu đồng.
Ngoài ra, gia đình người bệnh yêu cầu bệnh viện bồi thường thêm các khoản tổn thất về tinh thần (căn cứ theo Khoản 2 Điều 609 Bộ Luật Dân sự 2005) với mức 30 tháng lương tối thiểu (vùng II) tương đương với 93 triệu đồng; khoản tiền lao động bị mất trong thời gian một năm kể từ khi bị cắt cụt 1/3 dưới đùi phải (căn cứ theo Điểm b Khoản 1 Điều 609 Bộ Luật Dân sự 2005) với mức 6 triệu đồng một tháng, tương đương với 72 triệu đồng.
Bên cạnh đó, gia đình yêu cầu bồi thường thiệt hại về người với tỷ lệ thương tật khoảng 65% do bị cắt 1/3 dưới đùi phải (theo Thông tư 151/2012/TT-BTC ngày 12/9/2012 của Bộ Tài Chính) là 53 triệu đồng. Tổng các khoản gia đình yêu cầu bệnh viện bồi thường cho Lê Hoàng Lâm là 818 triệu đồng.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc cả hai bên đã không tìm được tiếng nói chung. Phía bệnh viện cho rằng, kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế đã kết luận BS Trần Chí Khôi khám bệnh “đúng quy trình” và việc Hoàng Lâm bị cắt chân là sự cố ngoài ý muốn. Bệnh viện không chấp nhận bồi thường mà chỉ hỗ trợ chi phí làm chân giả tại cơ sở y tế do phía bệnh viện đề xuất (không nêu rõ mức giá - PV) và hỗ trợ 150 triệu đồng chi phí chuyển đổi nghề nghiệp cho người bệnh.
LS Lê Quang Vũ, thành viên của Văn phòng Luật sư Người nghèo, người bảo vệ pháp lý miễn phí cho Hoàng Lâm nhận định: Các khoản gia đình bệnh nhân đề nghị bệnh viện bồi thường là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Cũng theo LS Quang Vũ, phía gia đình có thiện chí hòa giải nên sắp tới sẽ có kiến nghị lên Giám đốc Sở Y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị xem xét lại các kết luận liên quan và biện pháp giải quyết vụ việc hợp tình, hợp lý. Nếu nỗ lực trên không mang lại hiệu quả như mong đợi, gia đình có thể tiến hành các thủ tục khởi kiện ra tòa và đề nghị lập hội đồng y khoa để phân tích, kết luận lại toàn bộ vụ việc.
Vân Sơn
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn