Theo thông tin từ PGS.TS Phạm Văn Bùi, Phó giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương, hiện các yếu tố dinh dưỡng, môi trường, hóa chất độc hại và sự bùng nổ của những loại bệnh chuyển hóa như tăng huyết áp, đái tháo đường đã khiến tỷ lệ người mắc bệnh thận mạn tính tăng rất nhanh. Bệnh gây biến chứng sớm và không hồi phục đối với chức năng thận.
Trung bình cứ 5 người dưới 65 tuổi bị bệnh đái tháo đường thì có 2 người bị biến chứng thận, tỷ lệ sẽ càng tăng đối với người ở độ tuổi trên 65. Hiện Việt Nam là quốc gia nằm trong nhóm 10 nước thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường gia tăng nhanh nhất thế giới.
Báo cáo của Hội thận học Quốc tế vào tháng 3/2016 chỉ ra, tỷ lệ tử vong do bệnh thận mạn tính đã tăng lên 134% trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến 2013. Chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận đang là giải pháp cứu cánh cho những người bị suy thận mạn tính. Tại các nước phát triển, trong đó có Nhật Bản kỹ thuật lọc máu cho bệnh nhân bị suy thận đang giúp người bệnh kéo dài sự sống, có sức khỏe, lao động như người bình thường.
Bên cạnh giải quyết quá tải bệnh nhân, đây sẽ là Trung tâm đào tạo thận học - lọc máu
Tình trạng trên khiến hầu hết các bệnh viện thực hiện kỹ thuật lọc máu tại Việt Nam đang rơi vào quá tải. Khoa Lọc máu, bệnh viện Nguyễn Tri Phương với 30 máy nhưng mỗi ngày phải phục vụ cho khoảng 150 bệnh nhân. Dù hoạt động hết công suất từ 4 giờ sáng đến 23 giờ, tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ tết nhưng không đủ đáp ứng cho người bệnh.
Sau nhiều nỗ lực thỏa thuận hợp tác giữa bệnh viện Nguyễn Tri Phương với Hội lọc máu Nhật Bản thông qua tổ chức TUC, các chuyên gia của nước bạn đã tiến hành khảo sát và hỗ trợ xây dựng Trung tâm lọc máu kỹ thuật cao đạt tiêu chuẩn Nhật Bản đặt tại bệnh viện. Ngày 12/8, Trung tâm chính thức được đưa vào sử dụng.
BS Võ Đức Chiến, Giám đốc bệnh viện cho hay: Trung tâm mới có quy mô 20 máy lọc máu với công suất phục vụ 50 đến 60 bệnh nhân mỗi ngày. Các liệu trình lọc máu, tất cả vật tư tiêu hao, thuốc dùng, quy trình chạy thận nhân tạo đều thiết kế, sử dụng theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Trong thời gian đầu vận hành, phía Nhật Bản sẽ cử 5 chuyên gia chuyên ngành lọc máu - thận nhân tạo đến làm việc và đào tạo tại chỗ cho bệnh viện, sau đó các chuyên gia khác sẽ đến hỗ trợ luân phiên.
Cùng với sự ra đời của trung tâm, bệnh viện Nguyễn Tri Phương sẽ tổ chức đào tạo y khoa liên tục về thận học - lọc máu cho bác sĩ, điều dưỡng trong và ngoài thành phố. Đây được kỳ vọng là giải pháp góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân bị suy thận mạn tính trong phạm vi cả nước.
Vân Sơn
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn