Công điện khẩn của UBND tỉnh Nghệ An về phòng chống bệnh dại
Trước tình hình bệnh dại đang diễn biến phức tạp, để tăng cường công tác phòng chống bệnh dại, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Công điện khẩn số 05/CĐ-UBND ngày 29/3/2017 về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh dại trên động vật.
Theo đó, trong những năm gần đây, bệnh dại đã xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước và đang có diễn biễn phức tạp. Theo báo cáo của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Nghệ An, năm 2016 có 16 người tử vong do bệnh dại, từ đầu năm 2017 đến nay đã có 4 người tử vong.
Nguyên nhân chủ yếu là do đàn chó nuôi chưa được tiêm phòng vắc xin dại triệt để (hàng năm chỉ đạt 20-30% so với tổng đàn), nhiều nơi tiêm phòng đạt tỷ lệ rất thấp, có địa phương còn không tổ chức tiêm phòng; hiện tượng chó mèo nuôi thả rông, không được quản lý còn phổ biến.
Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa nhận thực được đầy đủ về sự nguy hiểm của bệnh dại, còn chủ quan khi bị chó, mèo cắn không đến các cơ sở y tế để tư vấn, tiêm vắc xin phòng bệnh dại dẫn đến bị phát bệnh và tử vong.
UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các huyện, thành thị có khu du lịch cần khuyến khích xây dựng vùng an toàn bệnh dại để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, thu hút du khách tới du lịch, tham quan. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết chó nghi mắc bệnh dại và các biện pháp phòng chống.
Đặc biệt, tuyên truyền nhân dân giám sát, phát hiện và báo cáo chính quyền, cơ quan Thú y các trường hợp chó mèo, động vật khác nghi mắc bệnh dại để xử lý, hướng dẫn người bị chó cắn đến ngay các cơ sở y tế để xử lý vết thương và tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho người, ngăn ngừa tử vong do chó dại cắn, tuyệt đối không sử dụng thuốc Nam để chữa bệnh dại khi bị chó dại cắn.
UBND các xã phường, thị trấn tổ chức, triển khai nghiêm túc việc rà soát số lượng chó, mèo nuôi trên địa bàn, lập sổ quản lý chó nuôi, ghi chép đầy đủ, cụ thể từng hộ nuôi chó ở từng thôn, bản. Số lượng chó nuôi, ngày, tháng, năm tiêm phòng vắc xin dại. Tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo đạt 100% trong diện phải tiêm (mỗi năm mỗi con chó chỉ tiêm 01 mũi vắc xin phòng bệnh dại).
Quy định cụ thể việc bắt, xử lý chó thả rông nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý, có chế tài xử phạt đối với chủ vật nuôi, không chấp hành các quy định của Luật Thú y. Đồng thời thành lập các tổ, đội chuyên trách để bắt, xử lý chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại.
Tăng cường giám sát, phát hiện sớm động vật mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh, báo cáo kịp thời với cơ quan chuyên môn để xử lý. Nâng cao năng lực chuyên môn trong công tác phòng, chống bệnh dại cho cán bộ Thú y, y tế, tổ, đội bắt chó, kỹ năng quản lý đàn chó; điều tra, giám sát bệnh, tuyên truyền, xử lý các vết thương do động vật cào cắn...
Việc nuôi nhốt, mua bán động vật như chó, mèo ở các địa phương sẽ được quản lý một cách chặt chẽ
Công điện cũng nêu rõ, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu hình thức phê bình trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu có người chết vì bệnh dại trên địa bàn do tiêm phòng vắc xin cho đàn chó mèo mà không đạt yêu cầu theo quy định.
Mới đây, dư luận đang hoang mang về sự việc bùng phát bệnh dại tại xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương (Nghệ An) khi địa phương này có hơn 50 người bị chó dại cắn. Trong số đó, do không được tiêm vắc xin phòng dại và điều trị kịp thời đã khiến cháu Lê Việt H. (4 tuổi, xóm Nam Sơn, xã Thanh Mai) tử vong thương tâm.
Điều đáng nói, trong số những bị chó dại cắn, có đến 22 người sử dụng thuốc Nam để chữa bệnh. Sau khi nắm bắt được thông tin, Đoàn công tác của Sở Y tế Nghệ An đã về xã Thanh Mai kiểm tra tình hình và chỉ đạo công tác phòng chống bệnh dại. Tổ chức tuyên truyền người dân nên đưa những người bị chó dại cắn đi tiêm phòng, tiêm phòng cho chó toàn xã, phun hóa chất khử trùng... Và đề nghị người dân không bán chó, đưa chó ra khỏi địa bàn.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn