Một trường hợp bị hóc thạch gây bít đường thở.
Hóc thạch, bé 5 tuổi tử vong
Ngày 6/3, một bé trai 5 tuổi (sống tại Quận 10, TP.HCM) được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 để cấp cứu vì bị sặc rau câu nhưng không qua khỏi.
Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, bệnh nhi nhập viện ngày 6/3 trong tình trạng cơ thể đã tím tái, ngưng tim ngưng thở, thiếu oxy lên não.
Theo người nhà bệnh nhi, nguyên nhân do bé trai hút mạnh miệng thạch khiến thức ăn chui vào họng, gây nghẹt thở. Người nhà đã cố gắng vỗ lưng, ấn ngực để đẩy miếng thạch ra ngoài nhưng không được. Khi đưa đến bệnh viện, bé đã ngưng tim, ngưng thở, tím tái. Trong đường thở của bé còn miếng thạch rau câu bị chắn ngang.
Cùng theo BS Tấn Phương, khoảng 4 phút đầu sau khi tai nạn xảy ra là thời gian vàng để cứu sống nạn nhân còn sau đó, bệnh nhi sẽ rơi vào tình trạng nguy kịch, tử vong hay đố mặt với di chứng não.
Cha mẹ đau đớn khi con chết tức tưởi vì hóc dị vật.
Bé trai 3 tuổi tử vong do hóc hạt nhãn
Sự việc thương tâm xảy ra ngày 16/8/2016, bé trai 3 tuổi ở Thái Nguyên bị hóc hạt nhãn, tử vong trên đường đến bệnh viện.
Bác sĩ Đặng Thị Mai Anh. – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện A Thái Nguyên) cho biết, khoảng hơn 20 giờ tối 16/8, gia đình đưa cháu bé vào viện. Qua kiểm tra, các bác sĩ nhận định cháu bé đã tử vong từ trước đó. Dù đã được các bác sĩ cố gắng cấp cứu nhưng cháu bé không qua khỏi. Sau đó, gia đình đã đưa cháu bé về nhà ở xã Phúc Trìu (TP Thái Nguyên) lo hậu sự.
Sau 10 phút hóc hạt vải, bé trai tử vong
Mùa vải năm 2015, trường hợp bé Vũ Minh A - Chương Mỹ, Hà Nội, cũng hóc hạt vải và nhập viện được vài phút. Mặc dù bác sĩ lấy được hạt vải ra nhưng cháu đã tử vong do ngưng tuần hoàn, ngừng thở trước khi vào viện dù nhà cháu chỉ cách bệnh viện 10 phút.
Bé 2 tuổi hóc hạt vải, bít đường thở, tử vong
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng cấp cứu nhiều cháu bị hóc thạch, hạt nhãn, hạt vải. Trường hợp của bé Nguyễn Gia B. 2 tuổi ở Kiến Xương, Thái Bình ăn vải, khi bố mẹ cháu không để ý, hạt vải hóc và bít vào đường thở. Thấy con khóc người tím tái, cha mẹ bé hoảng loạn đưa con vào bệnh viện mà không biết cách sơ cứu. Khi vào đến bệnh viện cháu đã tử vong nên bác sĩ không giúp được gì.
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, các bác sĩ thường xuyên cấp cứu trẻ bị hóc dị vật, trong đó đặc biệt nguy hiểm là hóc dị vật đường thở với những hạt tròn, trơn như hạt nhãn, hạt vải, thạch. Với đặc điểm trơn, trượt chỉ cần sơ ý là hạt vải, hạt nhãn trượt vào bít đường thở có thể gây tử vong cho trẻ.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn