BS Dư Thị Ngọc Thu thắp hương trước bàn thờ người hiến tạng
Bệnh nhân xin xuất viện vì sợ… bị mất tạng
TS.BS Dư Thị Ngọc Thu (Trưởng Đơn vị điều phối và ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy) kể, ý tưởng thành lập một đơn vị vận động hiến tạng xuất phát từ GS.TS.BS Trần Ngọc Sinh. Ông nguyên là Trưởng Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy và hiện giờ là cố vấn ghép tạng cho Bệnh viện Chợ Rẫy, Giảng viên của Bộ môn Tiết niệu học Trường ĐH Y dược TP.HCM, Chủ tịch Hội Niệu - Thận học TP.HCM.
Ý tưởng này càng trở nên rõ ràng hơn sau khi Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên.
Năm 1998, Bệnh viện Chợ Rẫy có làm cuộc khảo sát đối với người nhà các bệnh nhân đang nằm viện về việc hiến tạng trong trường hợp bệnh nhân chết não hoàn toàn.
Bác sĩ Thu nhớ lại: “Mặc dù, đã rất cẩn trọng khi chọn lựa, quan sát các trường hợp có thể tiếp cận; xin lỗi trước và giải thích rõ là đây chỉ là khảo sát nghiên cứu y khoa, không liên quan, ảnh hưởng gì đến trường hợp cụ thể của bệnh nhân và người ta chịu thì mình mới bắt đầu hỏi, thế nhưng, hầu như tất cả đều có quan điểm là không đồng ý hiến tạng của người thân sau khi qua đời và gần như trên 90% trường hợp sau khi được khảo sát xong thì chỉ 15 phút sau đến xin bác sĩ cho xuất viện về vì sợ bị… lấy nội tạng”.
Mọi việc khởi đầu như vấp phải đá tảng, khi lúc đó gần như tất cả người nhà, bệnh nhân đều không đồng ý hiến tạng, thậm chí chỉ hỏi thôi, bác sĩ đã bị đuổi và mắng té tát.
Đến bây giờ, bác sĩ Thu vẫn nhớ rất rõ và ấn tượng xúc động về trường hợp hiến tạng đầu tiên của người thân sau khi chết não. Người qua đời cho tạng là một bác sĩ, hai người con của bà đều là công an: “Mẹ khi còn sống rất thích và đi làm từ thiện nhiều. Nay mẹ qua đời, tôi tin là mẹ cũng muốn hiến tạng như là một việc thiện, để cứu người khác” - tôi vẫn nhớ rất rõ câu cô con gái nói với tôi như thế khi đồng ý hiến tạng mẹ”.
“Khi gia đình đầu tiên đồng ý hiến tạng khi người thân vừa qua đời, bác sĩ Hiền có nói với tôi: “Chị ơi, em biết rồi chị, mình phải sống trong hoàn cảnh của họ thì mới xin được”. Đó là điều quan trọng nhất. Bởi vậy, cho đến giờ, tôi luôn sống trong hoàn cảnh của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân”, bác sĩ Thu bộc bạch.
Chị cũng là một trong những người vinh dự nhận Kỷ lục Việt Nam đầu tiên về ghép tạng
Những khó khăn không thể nói thành lời
Khi tiếp cận với gia đình bệnh nhân, đi xin hiến tạng là lúc bác sĩ Thu toàn phải nói chuyện với họ ở những giây phút “thập tử” nhất, lúc gia đình người bệnh đau lòng và rối bời nhất. Đó là thời điểm vô cùng khó khăn và nhạy cảm. Vì thế người bác sĩ phải tinh tế, cuộc trò chuyện phải ở chỗ riêng biệt nhưng ấm cúng, hài hòa, gần gũi với bệnh nhân.
Bác sĩ Thu không chỉ phải sống trong hoàn cảnh của gia đình bệnh nhân trong cơn thập tử (chết não) mà còn phải sống trong hoàn cảnh của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân đang từng ngày, từng giờ chờ tạng ghép để được cứu sống.
“Phải có sự tôn trọng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để người nhà bệnh nhân có thể cảm thấy được sự tôn trọng đó, chứ không phải thấy mình là… "đồ tể"”, bác sĩ Thu chia sẻ.
Có không ít trường hợp thuyết phục xong rồi, chuẩn bị hồ sơ xong xuôi để gia đình ký cam kết hiến tạng thì gia đình người chết não lại không ký nữa. Thuyết phục 20 – 30 trường hợp mới có được một trường hợp đồng ý. Mỗi lần như thế, bác sĩ Thu lại không nản lòng mà tự dặn mình tiếp tục miệt mài với công việc. Bởi chị hiểu, trong khi số người bệnh đăng ký chờ được ghép tạng lên đến con số hàng ngàn thì người hiến tạng lại đếm trên đầu ngón tay.
Hơn ai hết, bác sĩ Thu hiểu khát khao được sống của người bệnh chờ ghép là như thế nào. Niềm vui vỡ òa, giọt nước mắt hạnh phúc của người bệnh khi nhận tin đã có được tạng tương thích luôn là động lực cho bác sĩ Thu. Cho dù để có được nguồn tạng hiến hiếm hoi, chị phải trải qua những giờ phút căng thẳng bất kể ngày đêm mỗi khi đi vận động, và thường tỷ lệ thất bại luôn gấp nhiều lần thành công, nhưng chị chưa bỏ qua bất cứ cơ hội nào, dù nhỏ.
Cùng với đó, bác sĩ không thôi trăn trở một điều là hiện các chính sách và nguồn kinh phí để vinh danh, tri ân, hỗ trợ cho gia đình người hiến tạng vẫn còn chưa được đủ đầy. Còn với các bác sĩ, họ vẫn luôn cố gắng những phần việc của mình.
“Gia đình và người hiến tạng đã có nghĩa cử cao đẹp, hy sinh rất lớn khi hiến tặng tạng. Vì vậy, các bác sĩ phải làm hết sức mình để bảo toàn tạng hiến tặng toàn vẹn nhất, phẫu thuật tốt nhất để cứu người nhận, sao cho xứng đáng với người cho”, bác sĩ Thu bộc bạch.
Bệnh viện Chợ Rẫy bắt đầu phát hành thẻ hiến tạng từ ngày 28/10/2014. Thẻ hiến tạng đầu tiên đã trao cho PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Người thứ hai là GS.TS.BS Trần Ngọc Sinh và người thứ ba là TS.BS Dư Thị Ngọc Thu.
Người mẹ ấy nuốt nước mắt và nỗi đau tận cùng khi quyết định hiến giác mạc của cô con gái 7 tuổi.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn