Ai không đau lòng khi chứng kiến người bệnh ở giai đoạn cuối của bệnh nan y, đau đớn cùng cực, chỉ mong được chết hoặc khi nhìn thấy người bệnh trong tình trạng “vô phương cứu chữa”, sống đời sống thực vật, đại tiện, tiểu tiện tại chỗ, sống nhờ hoàn toàn vào máy trợ hô hấp, tuần hoàn...?
Hai luồng dư luận trái chiều
Về việc hợp pháp hóa, trên thế giới hiện chỉ có 3 nước cho phép thực hiện trợ tử tự nguyện. Đó là Hà Lan (ban hành luật trợ tử năm 2001), Bỉ (ban hành năm 2002), Luxembourg (năm 2008). Riêng ở Mỹ, chỉ có tiểu bang Oregon không hợp pháp hóa trợ tử nhưng cho phép trợ giúp tự tử (assisted suicide), tức người bệnh tự dùng thuốc độc do bác sĩ cung cấp.
Tuy nhiên, trên thế giới hiện vẫn có 2 luồng dư luận phản đối và ủng hộ trợ tử diễn ra rất mạnh mẽ, nhất là ở các nước phát triển.
Phía phản đối trợ tử cho rằng hợp pháp trợ tử có thể đưa đến sự lạm dụng như: trợ tử không tùy ý bệnh nhân mà tùy ý bác sĩ, bác sĩ chẩn đoán nhầm để đưa đến trợ tử. Một lý do mạnh mẽ phản đối trợ tử là uy tín của nền y khoa bị tổn hại. Bởi lẽ, nhiệm vụ của thầy thuốc được xác định từ lâu là bảo vệ sự sống chứ không phải tiêu diệt sự sinh tồn của con người.
Người được cho là chống đối trợ tử đầu tiên trong lịch sử y học là Hippocrates, ông tổ ngành y phương Tây. Trong lời thề Hippocrates, ông kêu gọi thầy thuốc “không bao giờ cho ai một liều thuốc độc dù người đó yêu cầu và không bao giờ gợi ý về điều đó”. Trong Luật Y đức (Code de Déontologie) của Pháp, điều 38 quy định thầy thuốc không có quyền cố tình gây nên cái chết. Tuy nhiên, lý do lớn nhất là ảnh hưởng của tôn giáo thần khải tin rằng sự sống có tính chất thiêng liêng do thượng đế ban cho con người, chỉ có thượng đế mới có quyền lấy đi sự sống. Chính niềm tin này làm rất nhiều người lên án trợ tử, xem trợ tử là giết người.
Ở nước ta, nhiều ý kiến phản đối trợ tử vì cho rằng nó không hợp với tâm lý, truyền thống, đạo lý con người Việt Nam là luôn coi trọng quyền được sống. Có người phản đối trợ tử vì quyền này có thể bị lợi dụng nhằm giết người có chủ đích; con cháu cưỡng ép ông bà, cha mẹ ký vào giấy xin trợ tử.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy số người tử vong do trợ giúp y khoa tại các nước tiên tiến là khá cao Ảnh: Hoàng Triều
Trong khi đó, những ý kiến ủng hộ trợ tử cho rằng hợp pháp hóa trợ tử bằng pháp luật quy định chặt chẽ là việc nên làm, có lợi cho người chết và người thân họ. Việc chăm sóc giảm nhẹ sự đau đớn (palliative care) cho người bệnh thuộc loại nan y dù tốt đến đâu vẫn không giải phóng họ hoàn toàn khỏi nỗi đau đớn. Hơn nữa, tình hình kinh tế của người bệnh, của hệ thống y tế khó lòng kham nổi việc điều trị quá kéo dài mà sau cùng họ vẫn chết (do bệnh vô phương cứu chữa).
Một số nghiên cứu trên thế giới gần đây cho thấy số tử vong do trợ giúp y khoa tại các nước tiên tiến là khá cao. Theo 2 công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet (ngày 2-8-2003) dựa vào 20.000 ca tử vong, tỉ lệ chết do trợ giúp y khoa là 23% (ở Ý) và 51% (ở Thụy Sĩ).
Theo phong trào ủng hộ trợ tử, hợp pháp hóa trợ tử nếu được pháp luật quy định chặt chẽ sẽ không làm tăng những trường hợp “trợ tử” giả hiệu, tức giết người bệnh một cách tùy tiện. Trái lại, có thể phân biệt một cách rõ ràng hiện tượng với động cơ hoàn toàn khác nhau này.
Thầy thuốc và trí tuệ tập thể
Theo thiển ý của người viết, đối với người bệnh ở giai đoạn cuối đời, chết một cách tự nhiên là tốt nhất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu kéo dài sự sống chỉ là nỗi khổ đau của người bệnh và gia đình, thì trợ tử của người thầy thuốc với sự thỏa thuận của người bệnh hay gia đình là cần thiết. Điều hết sức quan trọng là thầy thuốc cần có lòng từ bi và trí tuệ để thực hiện nguyện vọng của người bệnh hay gia đình họ nhằm giải phóng nỗi khổ đau của họ.
Có lòng từ bi tức là có lòng thương người, luôn xem sự sống là thiêng liêng, nếu làm điều gì xâm phạm đến sự sống thì đó là điều bất khả kháng và làm chỉ vì muốn chấm dứt đau khổ. Còn có trí tuệ là có đủ hiểu biết, kiến thức về chuyên môn, y đức và pháp luật để giúp người bệnh “gần đất xa trời” với căn bệnh không thể chữa được thoát khỏi thế giới một cách êm ả.
Thầy thuốc rất cần trang bị trí tuệ tập thể. Đó là luật trợ tử nếu quốc gia của thầy thuốc đã hợp pháp hóa trợ tử. Luật hợp pháp hóa trợ tử được gọi là trí tuệ tập thể vì toàn đất nước được huy động trí lực để xây dựng nên, xác định thế nào là trợ tử hợp pháp. Mặt khác, trí tuệ tập thể còn là tiến bộ y học không ngừng phát triển nhờ phát minh của nhân loại.
Với lòng từ bi và trí tuệ, thầy thuốc mới thực hiện được trợ tử, giúp “cái chết cần thiết và nhân đạo” cho người bệnh. Biết rằng trong điều kiện ở nước ta hiện nay, rất khó có được sự đồng thuận đi đến xây dựng luật về quyền được chết nhưng tôi cũng xin mạo muội nêu một số ý kiến của mình. Có thể chúng sẽ được ghi nhận trong tương lai...
Thời gian qua, đã có nhiều người bệnh do khổ quá đã bày tỏ bằng lời hoặc bằng cách viết thư gửi đến báo chí “xin được chết nhân đạo”.
Trợ tử là gì?
Quyền được chết hay trợ tử là thuật ngữ tạm dịch từ tiếng Anh “euthanasia”, bắt nguồn từ một từ Hy Lạp là “euthanatos”, trong đó eu là tốt, bình thường và thanatos là chết. Đối với bác sĩ, nếu được pháp luật cho phép quyền trợ tử, họ sẽ tạo nên “cái chết nhẹ nhàng” với mục đích giúp bệnh nhân không còn đau khổ do mắc bệnh nan trị. Còn đối với bệnh nhân, nếu được pháp luật cho phép, họ có quyền được chết, tức được trợ tử.
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức
Người lao động
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn