Tính từ đầu năm 2016 đến ngày 7/8/2016, toàn tỉnh có 891 ca mắc SXH, không có ca tử vong. Số ca mắc SXH trung bình 63 ca/tuần.
Các địa phương có số mắc cao như: Bảo Lộc 267 ca, Di Linh 178 ca, Bảo Lâm 121 ca, Đức Trọng 110 ca, Lâm Hà 109 ca, Cát Tiên 72 ca. Viện Pasteur TP HCM xếp Lâm Đồng đứng thứ 13/20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam về số ca SXH.
Ngành Y tế Lâm Đồng đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức kiểm tra, khoanh vùng những khu dân cư có người mắc bệnh SXH để phun thuốc diệt muỗi, không để lây lan ra diện rộng. Thành lập các tổ, đội tuyên truyền, vận động người dân, hộ gia đình phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom phế liệu, những vật dụng chứa nước... để muỗi không có nơi trú ngụ sinh sản.
Trung tâm Y tế Dự phòng Lâm Đồng khuyến cáo người dân sử dụng các loại thuốc, nhang, vợt bắt muỗi hoặc hun khói để chống muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ nằm màn nhằm hạn chế tối đa muỗi đốt. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân khi có biểu hiện sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị, không được tự ý mua thuốc điều trị, nếu bệnh SXH không được điều trị đúng sẽ trở nặng gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ngay sau khi bùng phát dịch SXH tại nhiều địa phương, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh đã phân công luân phiên cùng cán bộ phòng chuyên môn của Sở y tế, Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh hàng tuần xuống các địa bàn điểm nóng về SXH để kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình và chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn, trong triển khai thực hiện công tác phòng chống SXH tại các cơ sở y tế.
Hiện, tình hình SXH tại Lâm Đồng đã được kiểm soát và khống chế, số ca mắc SXH giảm nhưng vẫn không đáng kể.
Ngọc Hà
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn