Chúng ta đều biết rằng tập luyện thường xuyên là cần thiết. Nó có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng, cải thiện sức khoẻ tinh thần và giảm nguy cơ mắc ung thư. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng tập luyện thường xuyên giúp bạn sống lâu hơn. Tuy nhiên, tập luyện quá nhiều lại có thể gây hại cho sức khoẻ từ việc gây đau kéo dài tới những rối loạn tâm trạng.
Những dấu hiệu này cảnh báo bạn đang tập luyện quá nhiều và cần học cách để thói quen này mang đến hiệu quả cho bạn:
Bạn đang kiệt sức
Tập gym tốt cho sức khoẻ, nhưng tập quá sức có thể dẫn tới chấn thương và chán nản. Phần lớn mọi người đều nghĩ rằng chỉ cần thay đổi bài tập, nhưng bạn cũng có thể thay đổi thời gian, số lượng các động tác, số lần lặp lại, cường độ, tải trọng, tốc độ, biên độ.
Nhịp tim của bạn tăng khi không tập gym
Nhịp tim tăng nhanh hơn bình thường có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có tập luyện quá sức. Tập luyện quá sức thường dẫn tới đau, mất nước hoặc mất cân bằng điện giải, tất cả những điều này có thể dẫn tới tăng nhịp tim. Nếu nhịp tim của bạn cao hơn bình thường trong một thời gian dài (nhịp tim khi nghỉ ngơi thay đổi, từ 60 tới 100 nhịp/phút), bạn có thể cần điều chỉnh mọi thứ trở lại. Hãy dành thời gian để uống nước, nghỉ ngơi, phục hồi và giảm tải cho tim.
Nếu không thấy nhịp tim giảm đi sau một thời gian, bạn cần đi khám bác sĩ để loại trừ các nguyên nhân có thể khác như tuyến giáp quá hoạt, nhiễm trùng hoặc bệnh tim.
Bạn nghĩ rằng đau là cái giá phải trả để có cơ thể đẹp hơn
Một số cơn đau nhức là bình thường, nhưng những triệu chứng này không nên kéo dài. Nếu bạn thường xuyên bị đau nhức, điều đó có thể là bất thường. Sự hồi phục chỉ xảy ra khi cơ và hệ thần kinh của bạn nhận đủ chất dinh dưỡng và được nghỉ ngơi đầy đủ để thích ứng với tập thể dục.
Hãy thử giảm những ngày tập cường độ cao của bạn xuống 2, 3 ngày. Sử dụng những bài tập khác như tập aerobic cường độ thấp
Bạn trở nên chậm chạp
Tập thể dục sẽ khiến bạn cảm thấy khoẻ hơn. Vì vậy, nếu bạn đang cảm thấy mệt mỏi, lờ đờ, có thể là bạn đang bị quá tải. Bạn có thể cần nghỉ tập cả tuần để cơ thể nghỉ ngơi và tự điều chỉnh lại. Mệt mỏi có thể dẫn tới cáu gắt, trầm cảm, giảm cảm giác thèm ăn và rối loạn giấc ngủ, tất cả có thể khiến bạn mất năng lượng. Khi bạn quay lại phòng tập, hãy thực hiện những bài tập phục hồi như yoga.
Bạn không thể nhớ lần cuối cùng bạn thích tập luyện là khi nào
Bạn muốn cảm thấy mệt mỏi, đổ mồ hôi và được thử thách, nhưng bạn không muốn sợ tập gym. Vì vậy, hãy tập luyện ở mức độ vừa phải để việc tập luyện trở thành niềm vui chứ không phải nỗi sợ hãi.
Tận dụng tối đa ngày nghỉ
Giúp cơ thể bạn phục hồi với các chiến lược tự chăm sóc dưới đây:
Ăn tốt và uống nhiều nước
Bạn nên bổ sung cho cơ thể những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như protein nạc và rau và đảm bảo uống nhiều nước.
Đi bộ
Đi bộ dài giúp tăng cường lưu thông máu tới các cơ, mang oxy tới để phục hồi các mô bị tổn thương.
Không ăn đồ ăn vặt: ngày nghỉ không phải là ngày để ăn vặt.
Không thức cả đêm
Giấc ngủ là chìa khóa để cơ thể phục hồi, tái tạo cơ và thiết lập lại não bộ. Không ngủ đủ có thể làm tăng cảm giác thèm ăn và đẩy cơ thể bạn vào chế độ stress mạn tính, khiến cho nó khó đạt được mục tiêu.
Hà Ngân
Theo Health
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn