Đau đớn bỏ thai
Chị La Thị Liên (SN 1990, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) - cho biết, ngày 25/3/2015, chị đi cấy que tránh thai tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà. 9 tháng sau, chị bất ngờ phát hiện mình có thai với kết quả kiểm tra là tuần thứ 7.
Vì đã 3 lần sinh mổ nên bác sĩ chỉ định chị phải bỏ cái thai chứ không thể sinh tiếp được nữa, rất nguy hiểm đến tính mạng. Chị Liên đau đớn khi phải bỏ cái thai của mình.
Điều đáng nói sau khi phá thai, chị đề nghị bác sỹ tìm lấy que tránh thai ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên các bác sỹ tại trung tâm không tìm thấy que tại vị trí đặt ban đầu.
“Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Lâm siêu âm cho tôi nhưng không thấy que tránh thai. Tôi không yên tâm với kết quả đó và nghĩ chắc là que tránh thai vẫn nằm trong người tôi. Tôi có nói với bác sĩ như thế thì bác sĩ bảo tôi tự đi chụp MRI. Nếu phát hiện còn que thì đưa kết quả về rồi nói chuyện tiếp”, chị Liên kể lại và cho biết rất bức xúc trước câu trả lời của bác sĩ.
Sau đó chị Liên có đi khám ở bệnh viện tuyến trên để tìm que nhưng vẫn không thấy.
Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Lâm, trưởng khoa Sản (Trung tâm y tế Sơn Trà) xác nhận trực tiếp đặt que và theo dõi tình hình sức khỏe chị Liên. Bà Lâm cho rằng đây chỉ là một tai nạn ngoài ý muốn và đã hết sức trách nhiệm, quan tâm đến bệnh nhân.
“Tôi nói vợ chồng Liên đến bệnh viện khác vì trung tâm không có chụp cộng hưởng từ. Nếu kết quả phát hiện que còn trong người thì đưa kết quả về, tôi sẽ xin trung tâm có phương án hỗ trợ”, bà Lâm nói.
Que tránh thai đã rơi ra ngoài
Bà Nguyễn Thị Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Đà Nẵng cho biết, Sở Y tế đã giao bà trực tiếp kiểm tra sự việc.
Theo Trung tâm y tế Sơn Trà báo cáo, kết quả chụp cộng hưởng từ, siêu âm tổng quát, chụp nhũ ảnh cho bệnh nhân và không phát hiện que cấy trên cơ thể chị Liên.
“Từ những kết quả này và theo kinh nghiệm, tôi khẳng định 100% que tránh thai đã rơi khỏi vị trí ban đầu. Que cấy này rất khó di chuyển đến vị trí khác, nhưng trong nhiều trường hợp có thể bị rơi ra ngoài”, bà Xuân cho biết.
Bà Xuân cũng cho rằng không một biện pháp tránh thai nào có thể ngăn ngừa tuyệt đối việc mang bầu, kể cả triệt sản. Việc mang thai ngoài ý muốn nằm trong xác suất có thể xảy ra. Hiện tỷ lệ người áp dụng tránh thai bằng cấy que ở Đà Nẵng rất nhiều và có xu hướng tăng.
“Ở đây một phần nằm ở nhận thức của người dân, một phần có sự hạn chế trong việc tuyên truyền, hỗ trợ của cán bộ dân số cơ sở. Lẽ ra sự việc đã có thể giải quyết ngay từ đâu, không để người dân ấm ức, hoang mang suốt thời gian qua”, bà Xuân cho biết.
Bà Nguyễn Thị Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Đà Nẵng khẳng định, que tránh thai đã rơi ra ngoài.
Cũng theo bà, nguyên nhân dẫn đến rối loạn kinh nguyệt của chị Liên không bởi do que cấy tránh thai, mà do vấn đề sức khỏe, thiếu dinh dưỡng. Bà khuyến cáo khách hàng dùng biện pháp này cần thường xuyên kiểm tra, khi phát hiện có bất thường phải báo ngay cán bộ dân số.
Chị Liên xác nhận, sáng 23/9, Trung tâm y tế Sơn Trà đã hỗ trợ cho chị đến bệnh viện khác để chụp MRI và chụp cắt lớp nhưng vẫn không thấy que tránh thai.
“Trung tâm nói, nếu sau này có chuyện gì thì Trung tâm sẽ hỗ trợ giải quyết cho tôi và hỗ trợ cho một bảo hiểm”, chị Liên nói.
Chiều 23/9, lãnh đạo UBND quận Sơn Trà cũng đã làm việc với Trung tâm y tế Sơn Trà và yêu cầu Trung tâm phải có biện pháp để chăm sóc hỗ trợ phục hồi sức khỏe cho người bệnh.
Khánh Hồng
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn