Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh tay chân miệng lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông.
Đáng nói, có đến 71% người lành mang trùng (mang vi rút nhưng không biểu hiện bệnh), rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào tháng 3-tháng 5 và tháng 9- tháng 10.
Rửa tay xà phòng là một thói quen tốt để phòng ngừa lây lan các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hoá.
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Kết quả giám sát cúm trọng điểm trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 chủng vi rút cúm A/H3 là chủng lưu hành chủ yếu (79%), tiếp đó là cúm A/H1N1 chiếm 11% và cúm B là 9,1%.
Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ..., bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Dưới đây là 3 sai lầm phổ biến nhất khiến bệnh dễ lây lan:
Mắc bệnh vẫn cố đi làm, cho trẻ đến lớp
Nhiều người khi con có dấu hiệu mắc bệnh vẫn cố đưa trẻ đến lớp vì rất nhiều lý do, không có người trông, con đã đỡ, hay chỉ sụt sùi, cố đi làm nốt để giải quyết công việc. Nhưng thực tế, đây là hai căn bệnh cực dễ lây nếu không cách ly người bệnh. Vi rút cúm qua những giọt nước bọt li ti bắn ra không khí, bắn vào các đồ vật sinh hoạt chung khi tiếp xúc, nói chuyện và dễ dàng lây bệnh.
Đó là nguyên nhân của nhiều ca sốt tập thể trong cùng một lớp học, trong cùng một cơ quan do lây lan qua đường hô hấp.
Còn với tay chân miệng, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ, rồi phân của trẻ mắc bệnh khi không được vệ sinh đúng cách, dính vào tay chưa được rửa vệ sinh rồi lại cầm nắm đồ vật, chăm người khác khiến bệnh dễ ràng lây lan.
Hãy che miệng khi hắt hơi
Rất nhiều người khi bị cúm vô tư “hắt xì”, trong khi đó một lần “hắt xì” rất nhiều giọt nước bọt li ti chứa vi rút cúm bắn ra ngoài, có thể gây bệnh cho người khác.
Vì thế, cần che miệng khi ho, hắt hơi. Nhưng nhiều người đã che miệng khi hắt hơi, ho nhưng lại quên mất công đoạn, rửa tay xà phòng nên “bàn tay bẩn” vẫn có nguy cơ gây bệnh khi cầm nắm các vật dụng dùng chung như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang…khi người khác chạm vào, dụi tay lên mũi miệng là hoàn toàn có thể lây bệnh.
Người lớn cần giáo dục trẻ khi ho, hắt hơi cần che miệng bằng khăn giấy rồi bỏ khăn giấy đúng nơi quy định. Cần khuyến khích trẻ luôn mang theo khăn giấy, nếu không có thì lấy ống tay áo che miệng khi ho. Còn nếu dùng tay để che miệng thì nhớ rửa tay bằng xà phòng sau khi ho.
Không rửa tay với xà phòng
Tay chân miệng là căn bệnh lây trực tiếp qua đường phân – miệng, chỉ cần vệ sinh bàn tay chưa sạch khi đi vệ sinh, bàn tay bẩn tiếp xúc đồ chơi, trẻ khác chơi, ngậm vào miệng là hoàn toàn có thể lây nhiễm vi rút gây bệnh tay chân miệng.
Tương tự, với bệnh cúm vi rút gây bệnh có thể lây lan qua “bàn tay bẩn” khi xì mũi, hắt hơi… vì thế, việc rửa tay bằng xà phòng là rất quan trọng để phòng lây truyền các bệnh truyền nhiễm. Rửa tay xà phòng rất dơn giản nhưng nó có giá trị phòng 30% nguy cơ mắc bệnh hô hấp và 50% nguy cơ mắc bệnh đường ruột. Tiêm vắc xin ngừa cúm cũng là một biện pháp được khuyến cáo phòng bệnh quan trọng.
Vì thế, để phòng bệnh, mọi người cần thường xuyên rửa sạch bàn tay cho trẻ và rửa sạch bàn tay người trông trẻ bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ; sau khi hắt hơi, hỉ mũi... Thường xuyên lau rửa sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, vật dụng học tập bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Cho các trường hợp mắc bệnh nghỉ học, không đến trường học, nhà trẻ trong vòng 10 ngày kể từ khi khởi bệnh...
Hồng Hải
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn