Sứ giả truyền thông điệp nhân văn của ngành bảo hiểm nhân thọ
Là một trong những nghề mang lại thu nhập cao và có môi trường làm việc linh hoạt, tự do, gần đây, bảo hiểm nhân thọ đang trở thành nghề thu hút nhiều người tham gia. Tuy nhiên, bên cạnh những động lực này, cũng có những người bước vào nghề tư vấn viên bảo hiểm vì những mục tiêu khác, một trong số đó là truyền đi nhiều giá trị nhân văn của bảo hiểm nhân thọ đến với người dân.
Đó là câu chuyện của chị Trịnh Mai Giang ở Ninh Bình, một tư vấn viên bảo hiểm đã được 3 năm. 4 năm trước, một biến cố lớn xảy ra với gia đình chị khi chồng chị, do sự cố trong một lần bị tai nạn lao động, đã bị thương tật vĩnh viễn ở cánh tay phải, sau 6 tháng ròng rã điều trị, chồng chị cũng hồi phục, nhưng sức lao động thì không còn được như trước, anh phải nghỉ việc ở chỗ cũ và nghỉ ở nhà một thời gian. Vốn chỉ là một công chức văn phòng, thu nhập vài triệu một tháng, việc xáo trộn trong công việc của anh là một áp lực lớn đối với gia đình chị. Điều may mắn là, trước đó vài năm, chồng chị đã tham gia một gói bảo hiểm của công ty bảo hiểm nhân thọ. Khoản tiền 300 triệu đồng được bảo hiểm chi trả lúc đó thực sự là một cứu cánh giúp cho gia đình chị vượt qua sóng gió. Trước đó, khi biết chồng chị tham gia bảo hiểm, nhiều người bạn của chị ra sức cản, tâm lý của chị cũng bị dao động ít nhiều. Chỉ khi trải qua rủi ro, chị mới thấm thía hết giá trị của bảo hiểm nhân thọ. Sau sự kiện đó, chị Giang đã tham gia chương trình đào tạo tư vấn viên bảo hiểm và quyết định bỏ công việc văn phòng cũ để trở thành tư vấn viên bảo hiểm.
Chị Giang chia sẻ: “Bên cạnh những ưu điểm như thu nhập, tính chủ động trong công việc, ý nghĩa nhân văn chính là động lực để tôi theo đuổi công việc này. Bởi hơn ai hết, là người đã đi qua biến cố, tôi hiểu sự cần thiết của bảo hiểm nhân thọ trong việc đảm bảo cuộc sống tốt đẹp cho mỗi gia đình”. Hàng ngày, chị Giang tiếp xúc với rất nhiều trường hợp, nhiều hoàn cảnh khác nhau, chị cũng gặp không ít những băn khoăn nghi ngại như trước đây chính chị đã từng trải qua, nhưng bằng sự thấu hiểu và kiên trì, chị lại tiếp tục là người truyền cảm hứng và xây dựng nhận thức đúng cho mọi người về bảo hiểm nhân thọ. Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc, chứng kiến những trường hợp bảo hiểm nhân thọ đồng hành và chia sẻ của bảo hiểm nhân thọ khi các gia đình gặp phải rủi ro trong cuộc sống, thấy rõ ý nghĩa của công việc mình đang làm, chị càng được tiếp thêm động lực để gắn bó với nghề.
Chị cho biết, sau 3 năm trong nghề, hiện trung bình, thu nhập mỗi tháng của chị khoảng 30 triệu đồng. Tất nhiên đi cùng với đó là những áp lực và thách thức không hề nhỏ, nhưng “Tôi tự hào về công việc mình làm, và nếu có đam mê, thực sự chăm chỉ và có tâm với nghề, với khách hàng thì sẽ làm được thôi”.
Hướng đến chuẩn mực nghề nghiệp của ngành
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết năm 2016, trên thị trường Việt Nam, có khoảng 500.000 đại lý, tư vấn viên bảo hiểm. Đội ngũ này hiện đang mang lại khoảng 94% doanh số bảo hiểm nhân thọ. Với đặc thù là lĩnh vực hoạt động chủ yếu phân phối sản phẩm qua hệ thống đại lý và tư vấn viên, có thể nói, tư vấn viên bảo hiểm chính là lực lượng quan trọng góp phần tạo nên sự tăng trưởng ấn tượng của bảo hiểm nhân thọ trong thời gian qua. Họ cũng chính là cầu nối thông tin giữa doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng, giúp xây dựng nhận thức về bảo hiểm nhân thọ cho người dân.
Trên thế giới, nghề tư vấn bảo hiểm đã xuất hiện từ rất lâu với hơn 400 năm lịch sử hình thành và phát triển và là một nghề rất quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, vì một số lý do mà người dân vẫn còn nhiều định kiến với nghề tư vấn viên. Một trong số đó bắt nguồn từ một số vụ việc khiếu nại, khiếu kiện của khách hàng liên quan đến chất lượng dịch vụ của đội ngũ tư vấn viên bảo hiểm, từ đó, gây ảnh hưởng không tốt về hình ảnh nghề nghiệp của họ.
Ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đánh giá: “Dù thị trường bảo hiểm nhân thọ đã phát triển hơn 20 năm qua nhưng nghề tư vấn viên bảo hiểm còn là một nghề mới. Vì thế cần có thời gian đề xác lập giá trị bền vững và được xã hội nhìn nhận một cách xác đáng hơn”.
Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn trên thị trường như Manulife, Prudential, Bảo Việt Nhân Thọ, Dai-ichi Life, AIA hay Chubb Life… cũng nỗ lực nhiều hơn trong việc triển khai các chương trình đào tạo về kỹ năng và chuẩn hoá quy tắc nghề nghiệp đối với tư vấn viên bảo hiểm. Bên cạnh đó, tiêu chí tuyển dụng của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng ngày càng được nâng cao để đáp ứng đòi hỏi của thị trường. Những điều này, cùng với nhận thức ngày càng cao của người dân về bảo hiểm, sẽ là cơ sở để xã hội có cái nhìn thiện cảm và nâng cao niềm tin đối với nghề tư vấn bảo hiểm.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn