Tại cuộc họp chuyên đề của Chính phủ cho ý kiến dự luật tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chiều qua (12/4), theo báo cáo của NHNN, sau 4 năm thực hiện đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, về cơ bản các tổ chức tín dụng yếu kém đã được nhận diện, và được cơ cấu lại không xảy ra đổ vỡ và đã được kiểm soát.
Đặc biệt, một số tổ chức tín dụng đang nỗ lực tự xử lý nợ xấu. Tuy nhiên từ thực hiện cho thấy quy định thẩm quyền của Chính phủ và NHNN khi xử lý tổ chức tín dụng yếu kém chưa đầy đủ dẫn tới thiếu các giải pháp tài chính hỗ trợ hiệu quả để phục hồi các tổ chức tín dụng yếu kém.
Do đó, việc ban hành luật riêng nhằm xử lý các khó khăn vướng mắc để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu.
Sau khi nghe các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, việc hoàn thiện các quy định về tái cơ cấu và xử lý nợ xấu là việc cần thiết, cấp bách, nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng tới kinh tế xã hội.
Chính phủ đã nhất trí dừng mua ngân hàng 0 đồng sau 4 năm thực hiện
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đồng ý xây dựng Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng để trình Quốc hội xem xét cùng lúc.
Cùng với các biện pháp xử lý đã nêu trong dự án luật, các ý kiến đã thống nhất từ nay các ngân hàng yếu kém sẽ được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt mà không dùng hình thức NHNN mua lại với giá 0 đồng.
Với các ngân hàng đã được NHNN mua lại với giá 0 đồng trước đây sẽ được xử lý theo các phương án mà dự luật sẽ quy định.
Dự thảo cũng quy định việc phát hiện và xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, sẽ có các phương án xử lý gồm: Phương án phục hồi; phương án xử lý pháp nhân (sáp nhập, hợp nhất, bán toàn bộ vốn điều lệ, giải thể, phá sản) và cuối cùng là phương án chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Tại phương án chuyển giao bắt buộc, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ phần vốn góp, cổ phần cho tổ chức tín dụng được chỉ định hoặc NHNN.
Thời gian qua, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, trong lựa chọn chưa cho phá sản nhưng một số ngân hàng không có khả năng triển khai các biện pháp, NHNN đã lần lượt mua lại bắt buộc ba ngân hàng thương mại với giá 0 đồng.
Ba ngân hàng 0 đồng này gồm: Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn