Gần 60% doanh nghiệp không có doanh thu
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), trong 3 tháng đầu năm cả nước có 26.478 DN thành lập mới. Bình quân mỗi ngày có 294 DN ra đời nhưng cũng có tới 265 DN rời khỏi thị trường. Tính chung, cứ 10 DN thành lập mới, thì có tới 9 DN giải thể, tạm ngừng hoạt động. Trong số các DN giải thể trong quý 1, DN quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng chiếm 92%. Nếu so với năm ngoái, số DN thành lập mới đạt con số kỷ lục: 110.100 đơn vị. Thành lập nhiều nhưng cũng có tới gần 20.000 DN phải ngừng kinh doanh. Những con số về tình hình hoạt động của các DN nhỏ và vừa khiến không ít chuyên gia và “người trong cuộc” cảm thấy bất an.
Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Tổng cục Thống kê), trong số các DN thành lập mới năm 2016, chỉ có 41% số DN có doanh thu và nộp thuế. 59% DN còn lại xong thủ tục thành lập nhưng lại chưa chính thức hoạt động hoặc chưa có doanh thu. Ông Thúy cho rằng, ở Việt Nam DN chủ yếu là DN nhỏ và vừa (DNNVV), quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu nên những DN kiểu này ra đời không đóng góp nhiều cho nền kinh tế . Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư và doanh thu.
Người dân đến làm thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2015, cả nước có khoảng 439.580 DN đang hoạt động với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 552.700 tỷ đồng. Như vậy, trung bình lợi nhuận của một DN năm 2015 chỉ khoảng gần 1,3 tỷ đồng/năm. Hơn nữa, mức tăng lợi nhuận DN giai đoạn 2010 - 2015 đạt 7,5%, bằng 1/3 của giai đoạn 2005 - 2010. Nguyên nhân của việc sụt giảm này bởi đây là giai đoạn xảy ra khủng hoảng toàn cầu khiến DN Việt Nam chịu tác động, sản xuất kinh doanh không hiệu quả.
Ngoài việc sản xuất không hiệu quả, nhiều DN đăng ký thành lập nhưng không hoạt động. Như lĩnh vực khai thác khoáng sản tại Hà Giang, có tới 51 DN đăng ký tại Cục Thuế Hà Giang nhưng chỉ có 18 DN nộp thuế.
“Số DN còn lại lấy lí do chưa khai thác, chưa có sản lượng nên không phát sinh thuế. Nhiều DN chỉ “đánh trống ghi tên” với cơ quan thuế. Chúng tôi căn cứ trên tờ khai của DN thực hiện chứ không có biện pháp nào để giám sát quá trình hoạt động của DN”, ông Vũ Mạnh Hùng, Cục phó Cục Thuế Hà Giang cho biết.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP), DN giải thể nhiều là kết quả quá trình cải cách môi trường kinh doanh. Thủ tục thành lập, giải thể DN đơn giản, thông thoáng. Người dân thành lập DN, kinh doanh không hiệu quả rồi giải thể, thành lập DN mới. Nguyên nhân tiếp theo là do môi trường kinh doanh ngày càng khó khăn như lãi suất cao, chi phí ngoài luồng lớn… Sản phẩm của DN nhỏ và vừa khó cạnh tranh với hàng hóa nhập ngoại từ các nước như Thái Lan…
Nhìn nhận về số lượng DN thành lập và giải thể nhiều, Thứ trưởng KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng, không phải cứ theo số DN ra đời mới là phát triển. Ở các nước, việc thành lập DN và giải thể rồi lập công ty mới là bình thường, vì đó là việc cần thiết để chuyển đổi mô hình hoạt động cho phù hợp thị trường. Với việc khuyến khích hoạt động khởi nghiệp của nước ta, trong thời gian tới, số DN ra đời và tạm ngừng hoạt động hay giải thể có thể sẽ còn nhiều hơn.
“Cạnh tranh mạnh mẽ sẽ khiến các DN không phù hợp, không đứng vững tất yếu bị loại khỏi cuộc chơi. Điều này phần nào cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu chuyển đổi mạnh và chất lượng của các DN sẽ tốt hơn vì có sự cấu trúc lại’, ông Đông nói.
Luật hóa các hỗ trợ để DN phát triển
Để đo lường “sức khỏe” của DN trong nền kinh tế, Bộ KH&ĐT vừa công bố một số chỉ tiêu phản ánh tình hình phát triển DN. Theo đó, bộ chỉ tiêu này sẽ đo lường kết quả sản xuất kinh doanh dựa trên doanh thu, đóng góp ngân sách và lợi nhuận của DN. “Đây sẽ là thước đo hiệu quả của chính sách, cải cách của địa phương và bộ ngành, nhằm tạo điều kiện cho DN phát triển. Có thể so sánh bộ chỉ số của Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) là chỉ số đầu vào, còn bộ chỉ số của Bộ KH&ĐT là chỉ số đầu ra đo sự phát triển của DN”, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết.
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho rằng, để DNNVV tồn tại, phát triển, bộ ngành cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể. “Khi Luật Hỗ trợ DNNVV được thông qua sẽ hỗ trợ DN về cơ chế chính sách vay vốn, mua sắm thiết bị…Khi đã được luật hóa, các đơn vị liên quan phải tuyệt đối tuân thủ để DNNVV tồn tại và phát triển”, ông Long nói.
Ngoài ra, đại diện VCCI cho rằng, các chính sách trực tiếp ảnh hưởng đến DN hiện nay như thời gian đóng thuế, bảo hiểm, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu…ngày càng rút ngắn và thuận lợi cũng là một trong những điều kiện để DNNVV vượt khó khăn, tồn tại và phát triển.
Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, việc ra đời luật riêng hỗ trợ DNNVV là cần thiết và thông lệ của nhiều quốc gia khác. Trong dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV quy định rõ 10 hỗ trợ cơ bản dành cho mọi DN như thông tin thị trường, tiếp cận đất đai, tín dụng. Ngoài ra, Dự thảo luật có 3 chương trình trọng điểm như: Hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang DN; Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ DN tham gia cụm liên kết ngành.
“Ngoài các hỗ trợ từ nhà nước, bản thân DNNVV cũng phải tự vươn lên, cạnh tranh để tồn tại. Chính sách hỗ trợ cũng phải phù hợp, tránh tình trạng DN ỷ lại, không chịu lớn để hưởng thêm ưu đãi. Nhà nước chỉ hỗ trợ những gì bản thân DNNVV không thể làm được”, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng KH&ĐT cho biết.
Năm 2015, cả nước có khoảng 439.580 DN đang hoạt động nhưng tổng lợi nhuận trước thuế đạt 552.700 tỷ đồng. Như vậy trung bình lợi nhuận của một DN năm 2015 chỉ khoảng gần 1,3 tỷ đồng/năm. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn