Nghệ An: Đặc sản bánh chưng Vĩnh Hòa hối hả vào vụ Tết

Thứ bảy - 07/01/2017 02:35

Nghệ An: Đặc sản bánh chưng Vĩnh Hòa hối hả vào vụ Tết

Để phục vụ nhu cầu lớn cho Tết Nguyên đán Đinh Dậu, những ngày này hàng trăm hộ dân ở làng nghề gói bánh chưng Vĩnh Hòa (Hợp Thành, Yên Thành, Nghệ An) đang hối hả bắt tay vào công việc làm bánh chưng xanh, mang đậm hương vị của ngày tết cổ truyền.

Từ TP. Vinh đi dọc Quốc lộ 1A rồi ngược theo QL 7B đến thị trấn Yên Thành, phải mất gần 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới có mặt tại làng Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, một trong những làng nghề làm bánh chưng nổi tiếng ở xứ Nghệ.

Làng gói bánh Vĩnh Hòa một trong những làng nghề làm bánh chưng nổi tiếng ở Xứ Nghệ.

Đến làng Vĩnh Hòa những ngày này mới cảm nhận được không khí tết đang tới rất gần với mọi người, mọi nhà nơi đây. Cái tên làng Vĩnh Hòa nổi tiếng với nghề làm bánh chưng xanh, bánh tét hàng trăm chục nay. 

Khác với những ngày thường, dịp gần tết gia đình nào cũng tất bật hơn khi nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…. trên địa bàn toàn tỉnh đặt hàng cho dịp tết. Hàng ngày, bà con nơi đây cũng đưa đi các cơ sở bán buôn, bán lẻ khắp nơi để phục vụ nhu cầu của người dân.

Để chuẩn bị nhu cầu bánh chưng cho dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, người dân trong làng Vĩnh Hòa đã rục rịch chuẩn bị hàng trăm tấn gạo nếp ngon được nhập về từ Lào và Thái Lan; các loại lá chuối, lá dong, thịt mỡ, dưa hành… dùng để gói bánh cùng với các nguyên liệu khác.

Công việc của người dân làng Vĩnh Hòa bắt đầu từ khoảng 15h mỗi buổi chiều hàng ngày, từ đầu làng đến cuối làng, già, trẻ, trai gái… đều được phân công làm nhiệm vụ; người thì ngâm gạo, người gói bánh, chẻ lạt, dóc lá… tiếng cười nói rộn rã khắp các ngõ xóm.

Sau khi chuẩn bị các vật dụng cần thiết, mỗi gia đình bắt đầu công việc gói bánh, nấu bánh chín rồi khoảng 3h sáng ngày hôm sau, các phụ nữ trai gái trong làng đều đi giao bánh đến tận các cơ sở trong tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Dù tất bật cho công việc gói bánh phục vụ cho khách hàng vào dịp tết, ông Nguyễn Văn Hạ (SN 1960, trú ở làng Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành) cho biết: “Gia đình chúng tôi làm nghề từ năm 1998, mỗi ngày gói được khoảng hơn 50 kg nếp, thị trường nhập bánh chủ yếu là các xã trong huyện và ở TX Cửa Lò, TP Vinh”.

Sự phát triển của làng nghề giúp bà con Vĩnh Hòa có một cuộc sống ổn định và no ấm.

Đang ngồi gói bánh chưng với bàn tay thoăn thoắt, anh Lê Thái Yên (SN 1971, trú ở làng Vĩnh Hòa) chia sẻ: “Nghề gói bánh chưng ở đây đã có từ lâu đời, mỗi dịp tết đến chúng tôi tất bật hơn khi có nhiều đơn đặt hàng từ khắp nơi, thường thì mỗi dịp này thu nhập được khoảng 60 – 70 triệu đồng”.

Anh Yên cũng cho biết thêm: “Bánh chưng Vĩnh Hòa đã nổi tiếng khắp nơi, bánh ngon hay không quan trọng là cách chọn loại nếp, làm nhân bánh, rồi cách nấu bánh nữa… thường thì để nấu được một nồi bánh chín thì chúng tôi phải mất 6 – 7 tiếng đồng hồ”.

Bánh chưng xanh Vĩnh Hòa đã và đang lan tỏa đến khắp mọi nơi trong tỉnh, thậm chí được đưa ra các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng…Ngoài nghề làm bánh chưng, nhiều hộ dân trong làng còn làm bánh cu đơ, bánh đa, bánh gói… mang những nét đặc trưng riêng của vùng quê lúa Yên Thành.

Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Lê Xuân Thủy (51 tuổi, trú ở làng Vĩnh Hòa) khi nồi bánh chưng đặt trên bếp thơm phức mùi nếp. Gia đình anh Thủy là một trong những hộ làm bánh chưng đầu tiên ở làng Vĩnh Hòa với hơn 46 năm làm nghề. Gắn liền với cái nghề làm bánh lâu năm đã giúp kinh tế gia đình anh ngày một sung túc, đồng thời nuôi các con ăn học nên người.

Anh Thủy chia sẻ: “Gia đình chúng tôi làm nghề đã lâu, dịp gần tết có rất nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… tìm đến đặt bánh để tổ chức tất niên, quà biếu tết vào dịp cuối năm. Quân bình tháng giáp tết, gia đình thu nhập được khoảng từ 50 – 70 triệu đồng, còn các tháng bình thường trong năm thu nhập khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng”.

Ngoài món bánh chưng mang thương hiệu của riêng mình, cơ sở làm bánh của gia đình anh Thủy (Cơ sở bánh chưng Thủy Nhường) cũng nổi tiếng với món Cu đơ được phân phối đến khắp nơi trong tỉnh và TP. Hà Nội…

Trao đổi với PV Infonet, ông Lưu Đức Bằng – Xóm trưởng làng Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành cho biết: “Làng Vĩnh Hòa được công nhận làng nghề chế biến nông sản vào năm 2005, các hộ tham gia nghề gói bánh khoảng 200/318 hộ; đây cũng là xóm đông dân nhất xã với 100 % là đồng bào giáo dân; nghề bánh ở đây được cha truyền con nối, tạo nên thương hiệu đặc trưng giúp kinh tế địa phương ngày một ổn định và phát triển”.

Thương hiệu bánh chưng Vĩnh Hòa ngày càng uy tín không chỉ bởi bánh rất ngon, mẫu mã đẹp, đặc biệt công tác an toàn vệ sinh được đảm bảo. Bánh chưng nơi đây mang bản sắc văn hóa ẩm thực độc đáo của người dân tại vựa lúa lớn nhất tỉnh Nghệ An.

Những nồi bánh chưng thơm phức được người dân Vĩnh Hòa sản xuất đang lan tỏa, mang sắc xuân đến gần hơn với ngày tết cổ truyền của dân tộc; giúp cho mọi người, mọi nhà thêm sung túc, có một cái tết thật yên vui.

Để chuẩn bị cho dịp tết nguyên đán 2017, người dân làng Vĩnh Hòa đã chuẩn bị hàng trăm tấn nếp cùng các nguyên liệu khác để gói bánh.

Người dân chuẩn nhân bánh, chẻ lạt và các nguyên liệu cần thiết để gói bánh.

Gia đình anh Lê Thái Yên, làng Vĩnh Hòa gói bánh cho khách hàng đã đặt trước.

Với thâm niên làm nghề hơn 46 năm, vợ chồng anh Lê Xuân Thủy, làng Vĩnh Hòa thu hút được nhiều khách từ xa về đặt bánh chưng ngày tết.

Nhiều hộ dân làng Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành bày bán bánh chưng, bánh tét dọc theo Quốc lộ 7B.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây