Những ngày này, làng heo đất ở phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, Bình Dương đang khẩn trương trang trí những con gà đất, heo đất với đủ màu sắc để kịp ra mắt thị trường dịp Tết.
“Mùa Tết khách hàng đặt, mình không ráng làm thì qua mùa sẽ không bán được. Năm nay, những mẫu gà, heo đất trang trí hình thức bắt mắt như dát vàng, tranh phong cảnh, heo quay, chó đốm, Đô rê mon được nhiều khách hàng ưa chuộng”, dù bận rộn nhưng anh Tâm vẫn hào hứng chia sẻ về công việc.
Heo đất không chỉ bỏ ống mà còn dùng để chưng, làm quà, bỏ mối dao động từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng. Cả nhà làm theo đơn đặt hàng không xuể, anh phải huy động thêm hàng xóm và các bạn sinh viên trang trí phụ, trả công 18 ngàn đồng một tiếng. Một mẫu heo đất với thân hình trang trí phong cảnh hữu tình đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ đang bán chạy dịp Tết. Một con heo đất hoàn chỉnh phải trang trí mất ba ngày.
Anh Tâm cho biết nghề làm heo đất đã có mặt từ lâu lắm rồi, có dễ hơn 50 năm. Từ nhỏ anh đã quen thuộc với mùi sơn và các công đoạn làm heo đất như nhào đất sét, đổ khuôn, nung rồi trang trí. Heo đỏ là loại heo truyền thống vẫn còn khách hàng trung thành. Cùng với xu hướng phát triển xã hội hiện đại, làng heo đất nghĩ ra nhiều loại heo với màu sắc và kiểu dáng bắt mắt hơn.
Tuy nhiên, trải qua quá trình đô thị hóa, khu vực ở đây không còn thích hợp nung heo đất nữa do đất đai bị thu hẹp, việc nung heo bắt buộc nổi lửa, thải khói gây ô nhiễm. Để giữ nghề truyền thống, gia đình anh đặt làm heo nung ở gần chợ Bình Mỹ, huyện Tân Uyên, nhờ họ chở đến tận nhà.
Trước khi sơn phết, những con heo gà, đất nung được chà giấy nhám cho bề mặt trơn, dễ bám sơn và láng mịn
“Heo có tháng đắt, tháng ế nên gồng được thì gồng, xung quanh đây người ta bỏ nghề nhiều lắm. Tuy nhiên, làm heo được cái thoải mái, không phải đi làm cho công ty ngoài, gò bó giờ giấc, thời gian”, anh Tâm nói. Khu vực phường Lái Thiêu chỉ còn khoảng 20 hộ còn theo nghề.
Heo có chữ “tâm”, “tài” được Phật tử mua nhiều để bỏ ống rồi mang vào chùa cúng dường.
Vì là nghề cha truyền con nối nên hầu hết người trong gia đình đều biết cách làm heo, phụ nữ thậm chí còn vẽ trang trí và khéo tay hơn cánh đàn ông.
Chị Hoa, dì ruột của anh Tâm chia sẻ: “Ai mà có chân đi là không theo nghề này được đâu. Trang trí heo đất đòi hỏi nhẫn nại, phải ngồi suốt từ sáng đến chiều”.
Không chỉ các chủ lò heo tranh thủ kiếm thêm đồng ra đồng vào dịp Tết mà những người dân lao động nghèo quanh năm cũng hồ hởi nhận vẽ heo phụ để có chút đỉnh tiền tiêu Tết. Với mỗi con heo được phết sơn, bà Năm được trả 350 đồng. Đây là thành quả từ sáng tới ba giờ chiều của bà. “Sơn phải ngồi riết cũng đau lưng nhưng tại vì mình làm nặng nhọc không quen”, bà Năm chia sẻ.
Còn ông Sáu đang phết con heo nhỏ hơn thì có giá khiêm tốn hơn là 160 đồng/con. Trong một tiếng đồng hồ, ông có thể sơn được 120 con.
Anh Kỳ, thường bán heo đất ở góc đường Điện Biên Phủ - Cách mạng Tháng Tám, TP.HCM là khách hàng quen thuộc của làng heo đất Lái Thiêu. Anh chia sẻ Tết này sẽ chưa vội về quê Quảng Nam mà ở lại bán heo đất cho dân thành phố du xuân, kiếm ít tiền gửi về cho bố mẹ ở quê ăn Tết.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn