Tại các lò hỏa táng, nơi lửa chỉ tắt vào ban đêm, người thân chờ hàng giờ đồng hồ để nói lời tiễn biệt người đã khuất. Cảnh tượng được chụp ảnh, quay phim, truyền hình trực tiếp. Những gia đình trong diện phong tỏa có người chết vì Covid-19 xem trực tiếp tang lễ của người thân qua sóng truyền hình.
Các hình ảnh, video xuất hiện trên các website tin tức hay những tờ báo lớn nhỏ khắp thế giới, khiến độc giả toàn cầu nhìn thấy những bi kịch cá nhân của người Ấn Độ.
Người dân địa phương trèo lên nóc nhà quay phim các lò hỏa thiêu để thế giới thấy được vì sao họ phải đeo khẩu trang, ngay cả khi ở trogn nhà. Khói và mùi chết chóc thường trực, dày đặc tới mức che kín những con đường nhỏ suốt cả ngày, đôi lúc len lỏi vào cửa sổ đã đóng kín.
Những ngọn lửa là chứng nhân cho sự thảm khốc của cuộc khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra tại Ấn Độ. Chúng cho thấy sự mất mát ở một đất nước nơi ca nhiễm, ca tử vong được cho là thống kê còn thiếu.
Ảnh: New York Times
Dịch bệnh đã khiến những thủ tục tang lễ không còn được thực hiện đầy đủ như trước. Thay vào đó, tang lễ trở thành thứ được cả thế giới theo dõi. Theo truyền thống, người thân thường tụ tập để tưởng nhớ người đã khuất. Nhưng hiện tại, nỗi sợ bệnh tật khiến rất ít người có thể tới dự tang lễ.
"Tôi thậm chí không thể cho người thân xem những khoảnh khắc cuối cùng của cha," Mittain Panani, một doanh nhân 46 tuổi nói. Ông và anh trai là những người duy nhất có mặt tại lễ hỏa táng cha ông ở Mumbai tuần trước. Mẹ ông cũng đã nhiễm bệnh và vẫn đang được điều trị trong bệnh viện.
"Bạn có thể có tất cả: tiền bạc, quyền lực, tầm ảnh hưởng. Ngay cả với những điều đó, bạn chẳng thể làm gì. Thật ghê tởm," ông nói.
Virus lây lan quá nhanh, Ấn Độ có những ngày báo cáo hơn 400.000 ca nhiễm mới, hầu như không có khu vực nào ở nước này không bị ảnh hưởng. Tuy vậy, thảm khốc nhất vẫn là tình trạng dịch bệnh ở New Delhi, nơi báo cáo khoảng 300 trường hợp tử vong mỗi ngày, được cho là thống kê chưa đầy đủ.
"Trước đại dịch, mỗi ngày tôi tiếp nhận khoảng 6-8 thi thể. Hiện nay tôi nhận khoảng 100 thi thể để hỏa táng mỗi ngày," Jitender Singh Shunty, người sáng lập tổ chức tình nguyện vận hành cơ sở hỏa táng Seemapuri ở miền Đông New Delhi nói.
Thông qua tổ chức từ thiện, Jitender Singh Shunty nhận hỏa táng miễn phí hoặc giảm giá cho người nghèo trong 25 năm qua. Nhu cầu tăng quá cao, nhóm công nhân của Shunty bị quá tải. Họ phải bổ sung hàng chục giàn hỏa thiêu ở những mảnh đất xung quanh.
Hàng ngày, Shunty giúp đỡ người dân vận chuyển thi thể và đặt lịch hỏa táng. Ông thường phải thay đồ bảo hộ, khẩu trang và găng tay hàng chục lần mỗi ngày. Đêm xuống, ông ngủ trong xe hơi, do vợ và hai con trai nhiễm bệnh đang ở nhà. Ba tài xế của ông đã nhiễm virus, trong khi người quản lý đang phải điều trị tích cực.
"Chúng tôi còn khoảng 16 người, vẫn đang nỗ lực làm việc ngày lẫn đêm. Mới 8 giờ 30 phút sáng nhưng tôi đã nhận 22 cuộc gọi vận chuyển thi thể," ông nói.
Ảnh: New York Times
Truyền thống đạo Hindu quy định hỏa táng là hình thức an táng cho người chết. Với niềm tin tập trung vào việc giải phóng tâm hồn, hỏa táng sẽ cắt đứt tâm hồn với thể xác. Một người sau khi chết thường sẽ được con trai cả và những người thân là nam giới trong gia đình khiêng thi thể tới giàn hỏa thiêu. Tro cốt được rải xuống sông Hằng hoặc các dòng sông khác.
Các gia đình được đề nghị phải lấy tro cốt người thân ngay để tránh nhầm lẫn. Những phần tro cốt không có người tới nhận, Shunty cho biết, được lưu giữ khoảng hai tháng rồi rải xuống sông Hằng.
"Lửa rực cháy từ những giàn hỏa thiêu, mọi người mặc đồ bảo hộ, chất dẻo quấn kín người, cảm giác như tận thế vậy," Dimple Kharbanda, một nhà sản xuất phim nói sau khi dự tang lễ cha ông.
Cha của Kharbanda, sinh thời là một doanh nhân, không chết vì Covid-19, nhưng tang lễ của ông bị ảnh hưởng ít nhiều bởi dịch bệnh. Con gái ông cầu xin người thân đừng tới Delhi dự tang lễ, do nguy cơ nhiễm bệnh đang rất cao.
"Những khoảnh khắc riêng tư như vậy, khi bạn muốn nói lời tiễn biện người thân, hiện đang bị từ chối. Cái chết trở thành một màn trình diễn," bà nói, đồng thời cho biết chỉ có thể xem lễ tang của cha qua cuộc gọi video.
"Khi ai đó ở Ấn Độ qua đời, chúng tôi tụ tập và nói về họ, cuộc đời của họ, sở thích của họ hay những điều tốt đẹp về họ. Nhưng chúng tôi không thể làm vậy. Khi xem lễ hỏa táng qua điện thoại, tôi thấy như một phần cơ thể bị cắt rời. Tôi muốn xoa đầu, xoa mặt ông ấy và ôm một lần cuối, nhưng không thể làm vậy," em gái người đã khuất nói.
Đối với gia đình các bệnh nhân tử vong vì Covid-19, cơ sở hỏa thiêu có thể là điểm đến cuối cùng trong một hành trình đau khổ và tuyệt vọng, sau khi đưa người thân tới bệnh viện tìm kiếm giường bệnh hay chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để lấy oxy.
Trước khi thi thể Darwan Singh, nhân viên bảo vệ 56 tuổi, được đưa tới Seemapuri, gia đình nói họ đã làm tất cả để cứu ông.
Ông liên tục sốt cao, mức oxy trong máu hạ xuống mức nguy hiểm 42%. Trong hai ngày liền, gia đình không thể tìm giường bệnh hay bình oxy cho ông. Khi họ tìm thấy giường bệnh, ông được thở oxy một tiếng đồng hồ, trước khi bệnh viện hết oxy.
Gia đình đưa Singh về nhà. Ngày hôm sau, họ lại phải chờ 5 tiếng đồng hồ trong bãi đỗ xe của một bệnh viện khác. Gia đình hối lộ khoảng 70 USD để kiếm giường bệnh cho ông tại một bệnh viện công, nhưng ông qua đời vào đêm hôm đó.
Khi Seemapuri hết chỗ, bệnh viện không thể chuyển thi thể tới. Hôm 25/04, thi thể Singh được đưa lên xe cứu thương cùng năm thi thể khác và đưa tới lò hỏa táng.
Ảnh: New York Times
Rawat, cháu của Singh, cho biết anh phải vào trong xe cứu thương để tìm thi thể chú, rồi đưa ông vào cơ sở hỏa táng, nơi gia đình anh chờ 5 tiếng mới đến lượt. Anh nói thêm rằng gia đình chú anh, mẹ, vợ, con trai, con gái, đều đã nhiễm bệnh. Người thân không thể tới nhà ông, phải chia buồn qua điện thoại.
"Tôi vẫn đang phải cách ly," Rawat cho biết, lo ngại rằng anh có thể đã nhiễm bệnh khi dự lễ tang.
Đối với các gia đình sống xunh quanh cơ sở hỏa táng, họ không thể nào thoát khỏi ám ảnh về cái chết hay những lo ngại rằng khi nào họ nhiễm bệnh.
Tại khu ổ chuột Sunlight Colony gần lò hỏa táng Seemapuri, khói dày đặc thường trực khiến người dân phải đeo khẩu trang suốt ngày. Trẻ em được yêu cầu súc miệng bằng nước nóng trước khi đi ngủ, đồ giặt là phải để trong nhà.
"Nhà bếp của chúng tôi ở tầng trên, tại đó không thể nào chịu nổi," Waseem Qureishi, người có mẹ và 6 ah chị em chung sống trong một ngôi nhà hai giường ngủ vẫn chưa hoàn thiện bên cạnh Seemapuri. "Nếu gió thổi về hướng chúng tôi, mọi thứ còn tệ hơn".
Anuj Bhansal, tài xế xe cứu thương sống gần cơ sở hỏa táng Ghazipur cũng ở miền Đông New Delhi, cho biết anh lo lắng cho bốn đứa con ở độ tuổi 7-12.
Bhansal nói lò hỏa táng có thể thiêu tới 100 thi thể mỗi ngày, trẻ em trong khu vực thường chạy ra bãi rác gần đó để xem.
"Khi chúng nhìn thấy khói lửa bốc lên từ lò hỏa táng, chúng hỏi sao lửa cháy mãi chưa hết. Chúng không hiểu điều gì đang xảy ra," Bhansal nói.
Nguồn: https://giadinh.net.vn/bon-phuong/ron-nguoi-quang-canh-hai-hung-nhu-tan-the-ben-trong-l...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn