Phúc thẩm vụ VN Pharma: Luật sư đề nghị làm rõ việc bắt giam 2 bị cáo tại tòa

Thứ ba - 24/10/2017 03:26

Phúc thẩm vụ VN Pharma: Luật sư đề nghị làm rõ việc bắt giam 2 bị cáo tại tòa

Chiều 24/10, TAND Cấp cao tại TPHCM tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ buôn lậu thuốc chữa bệnh ung thư xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma (gọi tắt là VN Pharma). Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Nguyễn Minh Hùng đã đề nghị làm rõ việc bắt giam 2 bị cáo Hùng và Cường ngay tại tòa...

14h35, Luật sư Nguyễn Đình Hưng bào chữa cho bị cáo Hùng đề nghị HĐXX xem xét lại khoản tiền 7,5 tỉ đồng. Số tiền này dùng chi cho các hoạt động mua bán hàng sau khi bị cáo Hùng bị bắt giam nên bị cáo Hùng không biết.

Quá trình điều tra xác định bị cáo Hùng đã chỉ đạo nâng giá thuốc, luật sự đề nghị HĐXX xem xét lại có hay không việc nâng khống giá thuốc. Các hoạt động của công ty VN Pharma là hoạt động công khai, các bị cáo không nhằm mục đích gian lận, không trốn thuế. Số tiền nâng khống giá thuốc này đã được gửi vào các ngân hàng.

Luật sư Hưng đề nghị đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM giải đáp việc bắt giam bị cáo Hùng và bị cáo Cường. Theo luật sư, nếu bắt giữ bị cáo nhằm mục đích xét xử thì bắt bị cáo trước khi mở phiên tòa, còn nếu bị cáo có hành vi nguy hiểm thì bắt giam bị cáo sau khi phiên tòa kết thúc. Luật sư cho rằng, chưa có tiền lệ bắt giam bị cáo khi phiên tòa đang diễn ra, việc làm này khiến bị cáo Hùng ngất xỉu làm ảnh hưởng tới diễn biến xét xử.

Đối đáp lại ý kiến của luật sư, kiểm sát viên cho rằng trong quá trình xét hỏi bị cáo Hùng, xác định Hùng là Tổng giám đốc công ty VN Pharma, mọi hoạt động công ty đều phải báo cáo lên bị cáo Hùng. Tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận việc nâng giá thuốc là bất chấp pháp luật. Về lệnh bắt giam bị cáo Hùng và Cường của chánh án TAND Cấp cao tại TPHCM, đại diện Viện KSND cho rằng căn cứ vào quy định của pháp luật việc bắt giam 2 bị cáo là đúng pháp luật.

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng tại phiên xử chiều nay (24/10)

Đề nghị xử lý cán bộ hải quan sân bay Tân Sơn Nhất

14h15, Sau khi kết thúc phần tranh luận, đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM phát biểu quan điểm bổ sung. Trong phần này, Kiểm sát viên đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ kháng nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Theo đại diện Viện kiểm sát, sau khi HĐXX quay lại xét hỏi càng làm rõ sai phạm của các bị cáo cũng như Cục Quản lý dược. Cần xem xét những cán bộ hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đã đồng ý cho lô thuốc nhập khẩu vào Việt Nam.

Đối với việc giám định của Bộ Y tế, kháng nghị cho rằng tại quyết định số 5197/QĐ-BYT ngày 17/12/2014 của Bộ Y tế thành lập Hội đồng giám định lô hàng có nhãn mác thuốc H-Capita 5000mg với thành phần Hội đồng giám định gồm 10 người. Cục quản lý Dược là đơn vị cấp phép nhập khẩu, quá trình cấp phép có nhiều thiếu sót, sai phạm. Đối tượng cần xem xét trong vụ án này nhưng lại tham gia giám định chuyên môn lô hàng do chính mình cấp phép.

Mặt khác, Cục quản lý Dược đã tham gia tố tụng với tư cách là người phát hiện và tố giác tội phạm – tham gia tố tụng theo Điều 25, 26 BLTTHS. Sau đó, Cục này lại tham gia giám định tư pháp chính lô hàng mà mình cấp phép nhập khẩu (tham gia tố tụng với tư cách giám định viên tư pháp theo Điều 60 BLTTHS) là chưa đảm bảo tính khách quan.

Tại kết luận giám định số 31/KL-BYT ngày 22/4/2015 của Hội đồng giám định Bộ Y tế kết luận: “Lô hàng có nhãn mác thuốc H-Capita500mg Caplet nói trên chứa 97,5% hoạt chất Capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”. Thành phần tạp chất là 17% (trong khi cho phép không quá 1%). Căn cứ Điều 2 Luật Dược năm 2005 và Điều 4 Nghị định số 08/2013/NĐ-CP quy định: “Thuốc kém chất lượng là thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền”. Tại khoản 24 Điều 2 quy định: “Thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau đây: Không có dược chất , Có dược chất nhưng không có hàm lượng đã đăng ký, Có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác.

Từ những phân tích trên, cho thấy kết luận giám định của Bộ Y tế có nhiều mâu thuẫn, không phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế khách quan của vụ án. Giám định cho rằng thuốc này: “…không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”, trong khi các bị cáo nhập về với mục đích chữa bệnh ung thư cho người nhưng cũng chính kết luận lại cho rằng là thuốc kém chất lượng mà không kết luận là thuốc giả. Vì vậy cần thiết phải trưng cầu giám định lại với thành phần Hội đồng giám định khác để đảm bảo tính khách quan và chính xác. Kết luận giám định là một trong những chứng cứ quan trọng làm cơ sở cho việc xác định tội danh đối với các bị cáo được chính xác, đúng pháp luật. Từ đó đại diện Viện KSND TPHCM đề nghị hủy toàn bộ bán án sơ thẩm.

Đại diện Bộ Ngoại giao từ chối trả lời với lý do sáng nay mới nhận được giấy mời, chưa kịp nghiên cứu hồ sơ...

14h chiều nay (24/10), HĐXX bắt đầu làm việc. Mở đầu, Tòa mời đại diện Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Khiêm.

HĐXX hỏi ông Khiêm vấn đề liên quan tới công ty Helix Canada, tuy nhiên ông Khiêm cho rằng sáng nay ông mới nhận được giấy triệu tập của tòa nên ông chưa kịp nghiên cứu hồ sơ. Ông nói sẽ nghiên cứu xem lại toàn bộ nội dung vụ án và sẽ trả lời câu hỏi của HĐXX sau.

Trước đó, cuối giờ sáng phiên xử, ông Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế cũng cho Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Cục trưởng Cục quản lý dược không nhận được giấy mời của tòa đến đây ngày hôm nay.

Xuân Duy

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây