Phúc thẩm vụ VN Pharma: Cục Quản lý dược và “thái độ thiếu nghiêm túc”!

Thứ tư - 25/10/2017 17:12

Phúc thẩm vụ VN Pharma: Cục Quản lý dược và “thái độ thiếu nghiêm túc”!

Dù tòa có thư triệu tập nhưng lãnh đạo Cục Quản lý dược vẫn không đến. Cho rằng đây là thái độ thiếu nghiêm túc, đại diện Viện KSND đã yêu cầu tòa cần có biện pháp cứng rắn hơn.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng tại phiên xử phúc thẩm

Cấp phép xong phát hiện sai phạm sẽ thu hồi

Trong phần xét hỏi, HĐXX và Viện KSND đã tập trung làm rõ trách nhiệm của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế trong việc thẩm định hồ sơ kỹ thuật thuốc, cấp phép lô thuốc đặc trị ung thư H-Capita 500 mg Caplet do Công ty VN Pharma nhập, cũng như việc cấp phép hoạt động cho một công ty "ma". Dù tòa có thư triệu tập nhưng lãnh đạo Cục Quản lý dược vẫn không đến. Cho rằng đây là thái độ thiếu nghiêm túc, đại diện Viện KSND đã yêu cầu tòa cần có biện pháp cứng rắn hơn.

HĐXX đã thẩm vấn các cán bộ Phòng Nghiệp vụ Cục Quản lý dược trong việc cấp phép lô thuốc H-Capita cũng như 7 lô thuốc khác của Công ty Helix (Canada). Sau khi lô thuốc H-Capita bị phát hiện là thuốc giả, các bị cáo bị khởi tố thì Cục vội vàng rút giấy phép nhập khẩu.

Tại sao Cục Quản lý dược không rút giấy phép trước khi lô thuốc bị phát hiện là giả? Trả lời câu hỏi này của HĐXX, ông Chu Đăng Trung, Trưởng Phòng Quản lý Thông tin quảng cáo, cho biết trường hợp phát hiện hồ sơ không trung thực, chất lượng thuốc không bảo đảm thì Cục sẽ rút giấy phép.

Với câu hỏi Cục Quản lý dược có xác minh thông tin, thẩm định nguồn gốc thuốc trước khi cấp phép hay không, ông Trung cho biết cục căn cứ vào tính hợp pháp, hợp lý của các giấy tờ - như Giấy chứng nhận bán hàng tự do (FSC), Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) của Canada được đóng dấu hợp pháp của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada.

Tuy nhiên, theo kết luận của Bộ Công an, toàn bộ giấy tờ trên cũng như chữ ký của tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Canada đều là giả. Tòa hỏi vậy trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo Cục Quản lý dược ở đâu thì không nhận được câu trả lời.

Trong phiên phúc thẩm, Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty Thương mại Hàng hải quốc tế H&C, người đứng ra môi giới để VN Pharma mua thuốc H-Capita) cung cấp cho tòa hồ sơ Cục Quản lý dược cấp phép cho Công ty Helix(mà Bộ Ngoại giao kết luận đây là công ty "ma") được phép hoạt động tại Việt Nam.

Để làm rõ quy trình cấp phép này, tòa đã thẩm vấn bà Phạm Thị Ngân Hạnh, Phó trưởng Phòng Quản lý kinh doanh dược. Bà Hạnh cho biết khi nhận hồ sơ yêu cầu cấp phép cho Công ty Helix hoạt động tại Việt Nam, Cục Quản lý dược cũng chỉ xem xét trên hồ sơ, giấy tờ mà doanh nghiệp nộp chứ không xác minh.

Xem thường pháp luật

Trong suốt 4 ngày xét xử phúc thẩm, HĐXX và 2 đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM nhiều lần tỏ thái độ không hài lòng với Bộ Y tế cũng như lãnh đạo Cục Quản lý dược. Trong phiên xử sáng 19/10, mặc dù tòa đã triệu tập nhưng đại diện Bộ Y tế không đến. Đến chiều cùng ngày, ông Giang Hán Minh (Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế phụ trách lĩnh vực tham nhũng) mới tới tham dự. Tuy nhiên, ông Giang Hán Minh không trả lời câu hỏi của HĐXX.

Ông Giang Hán Minh đại diện Bộ Y tế từ chối trả lời câu hỏi của HĐXX.

Khi đại diện Viện KSND đặt câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc cấp phép lô thuốc H-Capita 500mg Caple cũng như 7 bộ hồ sơ của 7 loại thuốc khác lấy tên Helix Canada đã được Cục Quản lý dược cấp phép nhập khẩu, cấp số đăng ký lưu hành ông Giang Hán Minh chỉ nói một câu duy nhất: "Xin không trả lời, ghi nhận và báo cáo lãnh đạo bộ".

Tương tự ngày 24/10, mặc dù tòa đã có thư triệu tập để làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến cấp phép nhập khẩu, cấp phép hoạt động cho công ty "ma" nhưng cục trưởng và cục phó Cục Quản lý dược vẫn không đến tòa.

Liên quan tới vấn đề này bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TPHCM) chia sẻ: Trong quá trình xét xử, rất nhiều vụ tòa ký giấy triệu tập nhưng người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cương quyết không đến tòa, né tránh thư triệu tập thì buộc lòng tòa phải ra lệnh áp giải đến tòa. Việc áp giải người có nghĩa vụ liên quan nhằm giúp cho vụ án được làm sáng tỏ hơn.

Trong trường hợp họ né tránh thì tòa sẽ tác động cơ quan chủ quản, nơi người có nghĩa vụ liên quan công tác yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho họ. Còn trường hợp căng thẳng hơn thì yêu cầu công an dùng xe chuyên dụng áp giải đến tòa.

Trong vụ án của Công ty VN Pharma, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng việc không chấp hành lệnh của tòa án là hành vi xem thường pháp luật.

Xuân Duy

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây