Người phụ nữ một mình sang Pháp kiện chồng hờ, đòi con

Thứ tư - 17/08/2016 12:07

Người phụ nữ một mình sang Pháp kiện chồng hờ, đòi con

Bị người tình ngoại quốc lén mang con gái hơn 3 tháng tuổi về nước sinh sống, sau hơn một năm tìm kiếm, chị Huyền một mình sang Pháp kiện đòi lại con.  

Theo bản án của Tòa sơ thẩm, thẩm quyền rộng Albi có trụ sở tại Tòa án Tư pháp ở Albi (Pháp), chị Huyền (32 tuổi, quê Khánh Hòa) và ông Azais (41 tuổi, quốc tịch Pháp) có quan hệ tình cảm. Sau hơn một năm yêu nhau, họ có con. Tuy nhiên, khi chị Huyền mang thai đến tháng thứ 6 thì phát sinh nhiều mâu thuẫn, hai người chia tay. 

Theo chị Huyền, lý do xuất phát từ việc ông Azais không đồng ý cho đứa bé mang quốc tịch Việt Nam và cũng không xúc tiến việc đăng ký kết hôn.

Ngày 14/8/2014, chị sinh bé gái tại bệnh viện quốc tế ở Bình Dương, đặt tên là Sarah. Bệnh viện làm cho đứa bé hai bản chứng sinh bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Ngay hôm sau, khi chị còn trong bệnh viện, ông Azais đã mang bản chứng sinh bằng tiếng Anh đến lãnh sự quán Pháp tại TP HCM làm giấy khai sinh và xin cấp hộ chiếu cho con. Hơn một tuần sau, cơ quan này đã cấp hộ chiếu cho bé gái nhưng không có thông tin về người mẹ.

Sau khi ra viện, chị Huyền chuyển về sống với người thân ở Vũng Tàu. Ông Azais vẫn sống trong căn biệt thư tại quận 2 (TP HCM) và đến thăm con vào mỗi cuối tuần. Hai tháng sau, vì muốn tiện cho việc đi lại thăm con gái, ông Azais thuê căn hộ gần nhà, thuyết phục chị Huyền chuyển lên TP HCM ở. Muốn con có được sự chăm sóc của cả cha và mẹ nên chị đồng ý. Hàng ngày, ông Azais vẫn đến đón cháu bé về nhà riêng trong vòng vài tiếng sau đó mang trả cho người mẹ.

Như thường lệ, ngày 29/11/2014, ông Azais đến đón con về nhưng sau đó không quay lại. Ông cũng ngưng việc thuê căn hộ cho chị Huyền kể từ đó. Trình báo sự việc với chính quyền địa phương, chị được biết người cha đã cung cấp các giấy tờ cho thấy cháu bé là người Pháp, đã được khai sinh tại lãnh sự quán Pháp nên không thể can thiệp.

Chị Huyền được gặp con gái sau 15 tháng xa cách vào hồi đầu năm, khi sang Pháp theo đuổi vụ kiện. Ảnh: NVCC.  

Phía lãnh sự quán cho rằng, bé Sarah được cha làm hộ chiếu mà không có thông tin của người mẹ vì chị Huyền không có mặt trong ngày khai báo. Sự việc sau đó được chuyển cho công an phía Việt Nam giải quyết. Ông Azais được triệu tập nhưng công an không thể can thiệp vì ông và con gái là người Pháp. Không có quy định nào cấm người cha mang con gái của mình đi.

Chị Huyền cho biết, cuối năm đó, chị về quê làm giấy khai sinh cho con nhưng UBND xã có công văn từ chối do bé đã được chính quyền Pháp công nhận. Việc khai báo cho con với các nhà chức trách Việt Nam phải có sự đồng ý của người cha trong khi ông Azais không đồng ý chuyện này. Trước đó, người mẹ cũng làm đơn kiện gửi TAND TP HCM nhưng tòa trả lại vì không thuộc thẩm quyền giải quyết và chưa đủ chứng cứ chứng minh chị là mẹ của bé Sarah. 

Đầu tháng 2/2015, chị Huyền biết tin từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh rằng ông Azais và con gái đã xuất cảnh khỏi Việt Nam. Sau thời gian dài nỗ lực liên hệ với ông Azais để gặp con không được, người mẹ quyết định một mình sang Pháp làm đơn khởi kiện.  

Hồi đầu năm, Tòa sơ thẩm, thẩm quyền rộng Albi có trụ sở tại Tòa án Tư pháp ở Albi thụ lý vụ án. Sau nhiều phiên điều trần, ngày 23/6 tòa án này đã đưa ra xét xử vụ án dân sự về tranh chấp quyền nuôi con.  

Tại tòa, ông Azais nhấn mạnh rằng, lý do tách cô bé khỏi mẹ vì ông muốn bảo vệ con khỏi cách hành xử và những giao thiệp "đáng lo ngại" của chị Huyền. "Tuy nhiên, ông chủ yếu tranh cãi về mối quan hệ của người mẹ với một người đàn ông khác ngay cả khi mối quan hệ giữa ông và bà Nguyễn (chị Huyền) đã rạn nứt và chỉ được duy trì vì nhu cầu duy nhất của trẻ", HĐXX nhận định.

Ông cũng cho rằng, mình đang là "mục tiêu của một vụ ám sát" khi bị chị Huyền cùng nhiều người đàn ông tìm đến nhà vào lúc 22h. Tòa cho rằng, các chứng cứ ông đưa ra là không có cơ sở. "Có lẽ hành động này đã được thực hiện để giành lại con gái, vả lại có thể do cơ quan cảnh sát làm sau nhiều lần bà Nguyễn khiếu nại...", tòa án Pháp nêu quan điểm. 

"Bằng việc chia cách bất ngờ cô bé khỏi mẹ trong thời kỳ bú sữa, việc đưa cô bé đi xa hàng nghìn km, giấu người mẹ địa chỉ của cô bé, ông Azais đã vi phạm nghiêm trọng về mối quan hệ giữa mẹ và con, vi phạm các quy định của Bộ luật dân sự và tạo ra một chấn thương tâm lý thực sự cho đứa trẻ khi đang là một em bé", bản án nêu.

HĐXX cũng cho rằng, bà Nguyễn đã chứng minh được các yếu tố đủ tin cậy để bé Sarah có thể sống an tâm cạnh một người mẹ đầy tình yêu thương. Hơn nữa, tòa nhận thấy, hộ chiếu của ông Zais thể hiện, ít nhất ông có một nửa thời gian sống tại Việt Nam và đang điều hành một công ty tại Việt Nam. Ông không chứng minh được rằng, sẽ ở lại Pháp thường xuyên để tự chăm sóc con gái. "Đến mức con gái được bà nội thường xuyên nuôi dưỡng".

"Để đảm bảo lợi ích cho đứa trẻ chưa đủ 2 tuổi thì việc trở về Việt Nam và sống với mẹ là cần thiết nên quyết định nơi thường trú của đứa bé là nơi đăng ký thường trú của bà Nguyễn ở Việt Nam", bản án nêu và buộc ông Azais phải ngay lập tức giao trả đứa bé và hộ chiếu của con cho người mẹ giữ.

Tòa cũng chấp thuận đề nghị của người mẹ sẽ cho ông đến thăm con vào tất cả các thứ 7 hàng tuần từ 9 đến 18h tại nơi đăng ký thường trú và một năm một lần tại Pháp với điều kiện ông Azais phải thanh toán chi phí đi lại.

Tuy nhiên, sau phán quyết này, ông Azais vẫn không giao lại đứa bé cho người mẹ. Chị Huyền một mình trở về nước vì hết hạn Visa. Cục quản lý xuất nhập cảnh sau đó đã thông báo cho chị biết, hiện ông Azais cùng con gái đã nhập cảnh vào Việt Nam vào hồi cuối tháng 6. Chị cũng nhận được thông báo của ông Azais về việc ông và con gái đang sống tại phường Thảo Điền, quận 2, song chị vẫn chưa được gặp lại con.

Ngày 20/7, chị Huyền đã mời cơ quan Thừa Phát lại, luật sư và phiên dịch đến địa chỉ ông Azais cung cấp để tìm gặp con gái, yêu cầu ông thi hành bản án, nhưng căn biệt thự có bảo vệ canh giữ, không ai mở cửa.

Ngày 4/8, TAND quận 2 nơi ông Azais sống đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm ông và con gái xuất cảnh. Người mẹ này cho biết, đang tiến hành các thủ tục yêu cầu tòa án ở TP HCM công nhận và cho thi hành phán quyết này tại Việt Nam. 

Hải Duyên

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây