Mưa lũ ở các tỉnh miền Trung trong những ngày vừa qua đã khiến hàng chục người tử vong hoặc mất tích, hàng nghìn làng bản bị cô lập, hàng vạn ngôi nhà bị chìm trong biển nước. Nước lũ dâng cao quá nhanh khiến nhiều người dân không kịp trở tay, thậm chí với những người năm nay đã sống quá nửa đời người vẫn chưa bao giờ chứng kiến trận “đại hồng thủy” nào khủng khiếp như lần này.
Cháu mới sinh được 15 ngày, bà nội và mẹ dùng mọi cách để che chắn
Bà Danh (72 tuổi, ở huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) dù đã được cứu hộ và di dời đến nơi an toàn nhưng vẫn chưa hết bàng hoàng. “Nước lên nhanh lắm, chúng tôi lên gác chống lũ (loại nhà xây để chống lũ có gác cao) mà chỉ 30 phút nước đã đến nơi, sau đó tôi phải lật cả mái nhà đưa con dâu và cháu lên nóc rồi kêu cứu”, người phụ nữ này chia sẻ.
Con trai bà Danh đi làm ăn, vợ thì mới sinh được 15 ngày, dù con trai có chạy về cũng không thể vào được nhà để giúp đỡ những người thân đang cận kề cửa tử. Trong tình huống ấy, bà Danh dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” vẫn cố dùng chút sức lực cuối cùng để cứu con, cứu cháu.
“Đưa cháu lên nóc nhà, tôi và con dâu dùng mọi cách để che chắn cho cháu, ủ ấm cho cháu rồi dùng điện thoại cầu cứu khắp nơi. Mỗi khi có thuyền, ca nô đi qua chúng tôi kêu cứu thất thanh nhưng giữa biển nước cùng tiếng mưa, tiếng gọi của chúng tôi chỉ chìm trong vô vọng”, bà Danh nói.
Nước ngập sâu nhấn chìm nhiều ngôi nhà ở Quảng Bình trong những ngày qua.
Khi điện thoại hết pin, bà Danh cùng con dâu và cháu chỉ biết ôm nhau khóc và cầu nguyện để có người đến cứu. May mắn thay, khi nước lũ đến mấp mé nóc nhà, một chiếc xuồng cứu hộ đã tiếp cận và cả 3 người trong gia đình đến nơi tránh lũ an toàn.
“Giờ con và cháu tôi đã được đi chăm sóc y tế, tôi đang ở nơi tránh lũ dù đã an toàn nhưng vẫn run. Thật sự, tôi không nghĩ mình còn đứng được ở đây để nói chuyện với mọi người”, bà Danh chia sẻ.
Lực lượng cứu hộ làm việc hết công suất mong không ai bị thương, thiệt mạng do mưa lũ.
Nhìn con mới 1 tháng tuổi giữa biển nước, hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc
Anh Quang (SN 1994, ở thôn Vinh Quang, Sơn Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) cũng là trường hợp may mắn vừa được cứu hộ thành công trong trận lũ kinh hoàng khiến ngôi nhà của anh bị nhấn chìm chỉ trong tích tắc. “Nước lên nhanh lắm, chỉ tính bằng phút thôi là mái nhà cũng không còn đứng được để cầu cứu nữa rồi”, anh Quang bàng hoàng nhớ lại.
Bản thân anh Quang cũng tự nhận rằng bản thân có đôi chút chủ quan vì không nghĩ nước lũ lên nhanh như vậy. Mọi năm khi lũ về, gia đình anh cũng chỉ lên gác để tránh lũ chứ chưa năm nào phải di dời đi nơi khác. Thế nhưng trận lũ năm nay nước lên nhanh bất thường khiến gia đình anh không kịp trở tay, khi nước lên đến gác, anh Quang chỉ kịp phá mái nhà để đưa vợ và con lên nóc, đồ đạc không kịp cầm theo gì. Chới với trên nóc nhà giữa biển nước mênh mông, khi đó anh vừa phải bảo vệ vợ con, vừa gọi điện đi khắp nơi cầu cứu mọi người.
“Đội cứu hộ, cứu nạn của cơ quan chức năng họ cũng quá nhiều nơi cần phải giúp đỡ, không đủ nhân lực, thiết bị nên mình vẫn phải chờ đợi. Khi đó tôi nhờ người quen đăng thông tin lên mạng xã hội cầu cứu, nhưng cũng không nhận được phản hồi. Thật sự khi đó chúng tôi nghĩ không biết có qua được hay không, nhìn con mới 1 tháng tuổi giữa biển nước mà hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc. Vợ chồng tôi lúc đó nhường hết tất cả những gì có thể để ủ ấm cho con nhưng vẫn không đủ. Tiếng kêu cứu trong của tôi dần kiệt sức thì may mắn có đội cứu hộ tiếp cận, khi đến nơi tập kết an toàn tôi mới tin là mình còn sống”, anh Quang chia sẻ.
Trẻ nhỏ khi phải chạy lũ bị ngấm nước sẽ ảnh hưởng hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí lâu dài có thể bị ảnh hưởng cả về tinh thần
Theo anh Quang, nếu cộng đồng có lòng hảo tâm thì nên ủng hộ đèn pin, áo phao là thiết thực vào lúc này với những người dân ở vùng lũ
Người bố trẻ này cho biết, dù còn nhiều khó khăn nhưng ở nơi tránh lũ cái ăn, cái mặc được cơ quan chức năng lo cho rất đầy đủ. "Hiện tại chỗ chúng tôi ở nhu yếu phẩm cơ bản đầy đủ, tôi nghĩ rằng nếu cộng đồng có lòng hảo tâm thì nên ủng hộ đèn pin, áo phao là thiết thực vào lúc này. Ví dụ như gia đình tôi khi cầu cứu trên mái nhà lực lượng chức năng không nghe tiếng, nhưng có đèn pin bật ra hiệu cầu cứu họ sẽ dễ nhận biết hơn", anh Quang chia sẻ.
Điều anh Quang lo nhất đó là sau khi lũ rút sẽ ra sao khi giờ chỉ còn 2 bàn tay trắng, chắc chắn tài sản chẳng còn chút gì. “Vẫn biết giữ lại được mạng sống đã là hạnh phúc lắm rồi, nhưng sau lũ cuộc sống của vợ con sẽ trông vào đâu khi mà tất cả đã mất hết”, anh Quang lo lắng.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ tối ngày 19/10 đến rạng sáng 20/10, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm. Đặc biệt có nhiều nơi lượng mưa lớn hơn như: Hoành Sơn (Hà Tĩnh) 169mm, Đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) 153mm, Kỳ Thịnh (Hà Tĩnh) 126mm. Các nơi khác ở Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, có nơi mưa vừa.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Trung Trung Bộ nên ngày và đêm nay (20/10), ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 50-100mm, có nơi trên 100mm.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/lu-dang-dot-ngot-tieng-keu-cuu-that-thanh-tren-noc-nh...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn