Cuộc đời của bà Chong Kin-wo.
Không xuất thân từ gia đình giàu có, không được nhiều người ủng hộ, gánh trên vai trọng trách nuôi sống gia đình cùng 2 đứa con gái nhỏ, bà Chong Kin-wo vẫn tự mình vươn lên trở thành một nữ triệu phú. Cuộc đời bi kịch nhưng cũng đầy huy hoàng của bà đã được dựng thành một bộ phim truyền hình.
Xuất thân nghèo khó, trục trặc hôn nhân
Bà Chong Kin-wo sinh năm 1943 tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Bố bỏ đi, mẹ của bà phải nuôi 2 chị em gái. Từ 5 tuổi, bà Chong đã phải theo mẹ lên núi đào khoai ăn, 10 tuổi phải nấu ăn cho cả nhà. Sau đó, vụ mùa thất bát, mẹ của bà buộc phải bỏ quê, đưa 2 con gái tới thành phố Thanh Đảo mưu sinh. Năm 15 tuổi, vì thương người mẹ vất vả nên bà Chong đã tự ý bỏ học để đi làm thêm. Bà xin vào làm y tá ở bệnh viện Thanh Đảo, mỗi ngày tới tắm rửa và giúp bệnh nhân ăn uống.
Tính tình tốt bụng, kiên cường, lại có ngoại hình khá xinh đẹp, bà Chong được nhiều người theo đuổi. Năm 22 tuổi, bà quyết định kết hôn với một bác sĩ nghèo đến từ Thái Lan. Cặp đôi hạ sinh được 2 người con gái, tuy cuộc sống vất vả nhưng vẫn êm đềm, hạnh phúc. Tới năm 1974, chồng bà nghe tin bố mất nên phải về Thái Lan chịu tang, hứa rằng sẽ sớm quay lại đón vợ con nhưng mãi không thấy đâu.
Năm 1977, bà Chong quyết định mang 2 con gái sang Thái Lan tìm chồng. Thế nhưng khi gia đình đoàn tụ, bà Chong mới phát hiện chồng mình rất giàu có, là con nhà buôn lụa, thậm chí còn có một người vợ khác bởi khi ấy chuyện đa thê vẫn được chấp nhận ở Thái Lan. Không lâu sau, người vợ kia sinh được con trai, bà Chong lập tức bị mẹ chồng dè bỉu vì không sinh được "quý tử". Sau nhiều áp lực từ phía gia đình nhà chồng, cộng với việc không thể hòa nhập với cuộc sống ở một đất nước khác, năm 1978, bà Chong liều lĩnh đem 2 con gái trở về dù biết tháng ngày sau này sẽ rất vất vả.
Khi đang quá cảnh ở Hồng Kông, bà Chong nhận ra tình cảnh khốn khó của mình. Nếu trở về Thanh Đảo cũng không có nhà ở, không có việc làm, bà quyết định ở lại Hồng Kông để tìm việc làm, tin rằng có chân tay, có sức khỏe thì sẽ nuôi được 2 con.
Từ trắng tay thành "nữ hoàng bánh bao"
Vì rào cản ngôn ngữ, thời gian đầu sống ở Hồng Kông của bà Chong với 2 con vô cùng khó khăn. Bà phải đi rửa bát thuê, dọn toilet và làm y tá từ sáng sớm đến đêm muộn. Bà và 2 con thuê một căn phòng chỉ rộng vỏn vẹn 4m2. Trong một lần, bà Chong bị khách đánh tới chấn thương, phải nhập viện nhưng hôm sau liền bị người chủ sa thải.
"Tôi bị sa thải. Chủ nhà đòi tiền thuê, các con cần đến trường và phải có đồ ăn. Khi nằm trên giường bệnh, nước mắt chảy dài và cảm thấy thật bất lực", bà Chong từng chia sẻ.
Sau đó, trong một lần bà Chong làm bánh bao và mời một người bạn tới ăn, người bạn này cảm thấy bánh bao bà Chong làm vô cùng ngon miệng và đặc biệt, vì vậy đã gợi ý bà hãy làm rồi đem bán. Từ đó, bà Chong bắt đầu dậy sớm làm bánh bao rồi đẩy xe hàng rong tới bến phà Wan Chai để bán.
Bà chia sẻ: "Lần đầu tiên tôi đẩy xe đến bến phà Wan Chai, chuyến đi đó có cảm giác dài như Vạn Lý Trường Thành. Tôi không biết đường nào đi đến đó. Tôi thấy mọi ánh mắt đổ dồn về phía mình. Dường như có một giọng nói vang lên trong đầu tôi: "Làm thế nào mà mày lại lạc đến tận đây?"".
Ngoài ra, bà Chong cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khác. Do bán hàng rong nên lúc nào bà cũng phải nhìn trước ngó sau, sợ bị cảnh sát bắt, phải để 2 con gái trông hộ. Có lần, do đẩy một xe đầy, không chạy kịp nên bị bắt lại, bà Chong vô cùng sợ hãi. Thế nhưng chính lúc đó, một đứa con gái của bà đã òa khóc rồi nói: "Chú ơi, xin hãy thả mẹ cháu ra. Đó không phải lỗi của mẹ. Đó là lỗi của cháu, vì hư quá nên không biết chú tới". Câu nói này đã khiến viên cảnh sát mủi lòng, cuối cùng tha cho 3 mẹ con.
Tuy nhiên, món bánh báo ngon miệng và chất lượng cao của bà Chong đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của người dân địa phương. Mọi người bắt đầu giới thiệu cho nhau, giúp quán bánh bao ngày càng đông khách. Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ, bà Chong đã mở được cơ sở bánh bao đầu tiên vào năm 1985, đặt tên là Wanchai Ferry. Năm 1987, bà mở cơ sở thứ hai và năm 1989 là cơ sở thứ 3.
Năm 1996, bà Chong xây dựng được một nhà máy hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế. Mọi người bắt đầu gọi bà là "Madame Chong" hay "nữ hoàng bánh bao". Năm 1997, bà hợp tác với tập đoàn thực phẩm Mỹ Pillsbury để giúp phát triển công việc kinh doanh của mình. Nhờ đó, tên tuổi của bà Chong cũng như thương hiệu bánh bao Wanchai Ferry của mình ngày càng trở nên nổi tiếng. Tới những năm 2000, bánh bao của bà được tiêu thụ tại nhiều nước trên thế giới.
Năm 1999, bà Chong Kin-wo đạt Giải thưởng nữ doanh nhân và phụ nữ chuyên nghiệp xuất sắc đầu tiên của Hồng Kông. Năm 2000, bà tiếp tục được vinh danh là Nữ doanh nhân chuyên nghiệp xuất sắc thế giới tại Venice (Ý). Năm 2001 và 2003, bà được công nhận là một trong 100 doanh nhân xuất sắc nhất Trung Quốc. Năm 2004, bà Chong nhận Giải thưởng vàng công nghiệp Trung Quốc và Giải thưởng phúc lợi công cộng Trung Quốc. Năm 2006, bà một lần nữa được trao tặng Giải thưởng những nhân tài xuất sắc nhất Trung Quốc.
Sau này, 2 con gái của bà Chong cũng được đi du học và đều thành tài. Những nỗ lực suốt nhiều năm qua của bà cuối cùng đã thành công.
Ông Simon Wong Ka-wo, Chủ tịch Tập đoàn Kampery ở Hồng Kông, cũng là Chủ tịch Phòng Công nghiệp Thực phẩm và Đồ uống Hồng Kông, luôn nhớ đến bà Chong như một nữ doanh nhân siêng năng: "Bà ấy luôn tận tâm thiết lập một hệ thống an toàn thực phẩm, chính điều đó đã giúp doanh nghiệp của bà ấy phát triển tốt".
Khoảng năm 2017, sức khỏe của bà Chong dần yếu đi, phải ngồi xe lăn. Lần cuối bà xuất hiện trước công chúng là vào tháng 4/2018 tại một buổi lễ của trường Đại học Trung Hoa. Nữ doanh nhân được cho là đã mắc bệnh tiểu đường.
Tháng 2/2019, bà Chong đã qua đời trong sự tiếc thương vô hạn của gia đình, người thân và công chúng. Câu chuyện về hành trình lập nghiệp suốt hơn 40 năm của "nữ hoàng bánh bao" đã được dựng thành một bộ phim để tri ân cuộc đời của bà.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/bi-chong-bo-nguoi-vo-ngheo-di-rua-bat-thue-don-toilet...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn