Những người vi phạm giao thông chỉ "tâm phục, khẩu phục" khi CSGT đưa ra hình ảnh vi phạm của họ. Ảnh: Khánh Linh
Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) quy định việc xử phạt vi phạm giao thông phải có chứng cứ, làm nảy sinh nhiều tình huống tranh cãi giữa CSGT và người vi phạm.
Tại cuộc họp mới đây của Ủy ban ATGT Quốc gia, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, do luật quy định xử lý vi phạm phải có chứng cứ chứng minh được lỗi vi phạm nên lực lượng CSGT gặp khá nhiều khó khăn. Bởi, hiện nay các tuyến đường chưa có camera giám sát để đối chiếu, còn tại các ngã tư thì không phải chỗ nào cũng được gắn camera. Chính vì thế, nhiều người vi phạm rõ ràng nhưngCSGT cũng không thể xử phạt.
Chứng minh vi phạm là nhiệm vụ của CSGT
Luật quy định xử phạt vi phạm giao thông phải có chứng cứ khiến lực lượng CSGT gặp không ít khó khăn
Thượng úy Lê Văn Lợi, cán bộ Đội CSGT số 14, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, thực tế từ quá trình TTKS cho thấy, có muôn vàn tình huống người đi đường vi phạm rõ ràng nhưng rất khó để lập biên bản. “Mới đây, khi tổ công tác của tôi làm nhiệm vụ gần khu vực hồ Linh Đàm - đường Giải Phóng, phát hiện một người đi xe máy không đội MBH nên ra hiệu lệnh dừng xe. Tuy nhiên, khi dắt xe vào chốt, người này lấy MBH đội vào rồi thản nhiên nói: “Tôi có vi phạm đâu?!”, đồng thời yêu cầu CSGT cho đi. Đối với trường hợp vi phạm này, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, giải thích để người vi phạm hiểu. Nếu người vi phạm vẫn cố tình tiếp tục không công nhận lỗi, CSGT sẽ mời người tham gia giao thông trên đường làm chứng và tiến hành lập biên bản. Tuy nhiên, việc này mất khá nhiều thời gian”, Thượng úy Lợi nói và cho biết thêm, việc mời nhân chứng cũng không đơn giản, bởi nếu người vi phạm là đối tượng xăm trổ, ngổ ngáo thì hầu như rất ít người dám đứng ra làm chứng!
Một cán bộ Đội CSGT số 3, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng kể lại: “Mới đây, trong khi làm nhiệm vụ, chúng tôi có dừng xe một trường hợp vượt đèn đỏ khi qua ngã tư. Tuy nhiên, người này kiên quyết không chịu ký vào biên bản và tranh luận gay gắt với các chiến sĩ CSGT. Sau gần một giờ đồng hồ, người này ký vào biên bản “không công nhận lỗi vi phạm”. Sau đó, người vi phạm được mời đến trụ sở Đội để làm việc”.
Tại đây, CSGT đã trích xuất dữ liệu từ camera ghi lạihình ảnh vi phạm cho người vi phạm xem trực tiếp. Tuy nhiên, ngay cả khi đã thấy rõ hình ảnh vi phạm, người này vẫn “cãi chày, cãi cối” rằng, “đèn tín hiệu giao thông bẫy người vi phạm”. “May là ngã tư đó có camera ghi lại hình ảnh, nếu không CSGT sẽ rất khó khăn trong việclập biên bản xử phạt, dù vi phạm đã quá rõ ràng. Việc mời người đi đường làm chứng cũng không dễ dàng, bởi khi người vi phạm dắt xe vào chốt cũng là lúc những người chứng kiến đã đi mất từ lâu”, vị cán bộ này cho hay.
Một lỗi vi phạm khác mà CSGT thường gặp khó khăn khi xử lý là lỗi “đi sai làn, phần đường”. Trên thực tế, nhiều đoạn đường có biển báo hướng dẫn các phương tiện đi thẳng, rẽ trái nhưng hiện nay rất nhiều người vi phạm khi lưu thông qua những địa điểm này. “Chúng tôi vừa lập biên bản một trường hợp đi vào phần đường mũi tên rẽ trái nhưng lại đi thẳng. Người vi phạm không công nhận lỗi và kiên quyết cho rằng mình đi vào làn đường đi thẳng. “Chúng tôi phải đưa ra chứng cứ bằng cách nhờ người vi phạm cùng một lỗi như vậy sau đó đứng ra làm chứng, người này mới chịu ký biên bản”, vị cán bộ Đội CSGT số 3 nói.
Điều chỉnh luật nếu thấy cần thiết
Trao đổi với Báo Giao thông, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho biết, Luật Xử lý VPHC quy định người có thẩm quyền xử phạt phải chứng minh được hành vi vi phạm, nên đã có một số trường hợp người vi phạm cũng “vin” vào để làm khó cho lực lượng thực thi nhiệm vụ. “Ví dụ, một người vượt đèn đỏ hay lấn làn bị CSGT lập biên bản, nhưng họ không tuân theo mà nhất định đòi CSGT phải chứng minh được hành vi vi phạm của họ. Nếu trong trường hợp ở đó có camera giám sát giao thông hay có người làm chứng thì việc này sẽ được giải quyết nhanh chóng, còn không sẽ dẫn đến cuộc tranh cãi kéo dài giữa người dân và lực lượng thực thi nhiệm vụ”, tướng Quân nói và cho rằng, những trường hợp như vậy trong thực tế rất “thiên biến vạn hoá”, nên cần cách giải quyết, ứng xử linh hoạt.
Theo Tướng Quân, để góp phần giải quyết những bất cập trên, cũng đã có một số đề xuất tăng cường phương tiện, thiết bị kỹ thuật như gắn camera trên mũ CSGT (hiện TP HCM đã thí điểm), nhưng để đồng bộ thì rất khó vì nó đòi hỏi kinh phí rất lớn.
“Rõ ràng luật pháp thường chậm hơn so với thực tiễn, khi xây dựng luật là thế, nhưng trong quá trình triển khai thực tế có những trường hợp xảy ra mà mình không dự liệu được hết nên luôn cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đến một giai đoạn nhất định, cần tập hợp các vướng mắc để sửa đổi, điều chỉnh. Nhưng việc này phải do lực lượng trực tiếp thực thi nhiệm vụ đề xuất, sau đó cơ quan chức năng mới điều chỉnh nếu xét thấy phù hợp”, tướng Quân cho biết.
Điều 3, Luật Xử lý VPHC quy định về nguyên tắc xử lý VPHC: Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh VPHC. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không VPHC.
Luật cũng quy định, người bị xử lý vi phạm có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý VPHC theo quy định của pháp luật. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm mà sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản khác của người vi phạm, dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Văn Huế - Hoài Thu
Giao thông vận tải
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn