Khủng hoảng phân khúc xe nhập khẩu
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải Quan, ước tính trong nửa đầu tháng 1/2018 chỉ có 16 chiếc ôtô được nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó đáng chú ý là chỉ có 6 mẫu xe dưới 9 chỗ (không có xe thương mại, hầu hết nhập khẩu cho các cơ quan quản lí và đại sứ quán) và 27 chiếc xe tải, với tổng trị giá 282.000 USD (tương đương khoảng 6,4 tỉ đồng).
Thống kê này so với cùng kỳ năm ngoái là một con số cực kì chênh lệch; cụ thể, nửa đầu tháng 1/2017, thị trường Việt Nam chi 116 triệu USD cho 5.000 chiếc ôtô nhập khẩu (3.701 chiếc dưới 10 chỗ, 11 xe trên 9 chỗ ngồi và 1.120 ô tô tải).
Chiếc Toyota Fortuner 4x2 nhập khẩu từ Indonesia đã đi gần 4.000 km được rao bán tại Hà Nội với giá bán 1,3 tỉ đồng, phiên bản 4x4 cũng có giá bán tới hơn 1,4 tỉ đồng. Đây là giá bán cao hơn gần 200 triệu đồng so với giá xe mới do Toyota Việt Nam công bố.
Sự khan hiếm này kéo theo hệ quả là hàng loạt mẫu xe bị thị trường đẩy giá nhanh chóng, đặc biệt là các mẫu xe chuyển đổi từ xe lắp ráp sang nhập khẩu nguyên chiếc. Đơn cử có chiếc Toyota Fortuner đời 2017 (đã đi gần 4.000 km) nhập khẩu trong năm vừa qua được thét giá 1,4 tỉ đồng, cao hơn giá bán xe mới khi công bố gần 200 triệu đồng. Honda Việt Nam phải cố gắng hoàn thành thủ tục từ năm 2017 để trả xe CR-V cho khách hàng đặt mua, với giá bán cao hơn (dự định khi thuế bằng 0%) trong năm 2018 khoảng 200 triệu đồng. Trong khi đó, đối với mẫu Ford Explorer nhập khẩu từ Mỹ, đại lí chỉ bán xe kèm theo gói phụ kiện khoảng 80 triệu đồng chưa kể các gói bảo hiểm kèm theo…
Chưa từ bỏ ý định nhập xe, doanh nghiệp vẫn tiếp tục “kêu cứu”
Thời điểm này, đã có một số doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ôtô, như Toyota, Ford, GM Việt Nam…, cho dù việc nhập khẩu xe vẫn còn khá nhiều vướng mắc và thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vẫn tiếp tục kiến nghị tới các cơ quan chức năng, với lập luận rằng các điều khoản mới của Nghị định 116 cần có một Thông tư hướng dẫn có tính khả thi hơn.
Nghị định 116/2017?NĐ-CP có quy định các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, và đây là mấu chốt của việc có thể đưa xe nhập khẩu vào Việt Nam.
Tuy nhiên, đa số các thành viên VAMA cho rằng không thể tìm được bất kỳ một giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài nào phù hợp với thông số kỹ thuật của các xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam; chính phủ của mỗi quốc gia tiến hành thử nghiệm và cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn của quốc gia đó cho các xe ô tô tiêu thụ nội địa nước đó mà thôi, chứ không có chức năng cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn Việt Nam, cho các lô xe xuất khẩu sang Việt Nam.
Các thành viên VAMA cho rằng mỗi quốc gia (sản xuất xe) khi sản xuất xe cho thị trường Việt Nam đều rất khó khăn để chứng nhận cho lô xe không tiêu thụ tại nước đó (mà để xuất khẩu sang thị trường khác) khi mà trên thực tế các nước sản xuất xe cho thị trường Việt Nam như Thái Lan, Indonesia và Malaysia có sự khác biệt về tay lái, chưa kể các tiêu chuẩn khác về an toàn, khí thải… Chính vì vậy, một lần nữa, một số thành viên VAMA (trừ Trường Hải) để xuất cho các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô nộp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại được cấp bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam, thay thế cho các Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do nước ngoài.
Người tiêu dùng Việt Nam - Tại sao phải mua xe đắt?
Theo các chuyên gia tính toán, ngay cả sau khi các điều khoản ràng buộc trong Nghị định 116/2-17/NĐ-CP được “cởi nút” bằng thông tư hướng dẫn, cũng sẽ phải ít nhất sang quý III/2018 thị trường mới có thêm các mẫu xe nhập khẩu mới về Việt Nam.
Chính vì vậy, trước bối cảnh nhu cầu của thị trường tăng cao do việc nguồn cung chưa đáp ứng nổi nhu cầu của người dân, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới, người tiêu dùng nên cân nhắc để có quyết định phù hợp, tránh việc mất hàng trăm triệu đồng chỉ để có xe sớm trước vài tháng - một lí do hoàn toàn cảm tính chứ không phải là đáp ứng các nhu cầu cấp thiết.
Như Phúc
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn