Theo Quỹ an toàn đường bộ Australia (ARSF), hành vi vô trách nhiệm trên đường của người tham gia giao thông không chỉ xuất phát từ bản thân họ, mà có phần từ việc thờ ơ của người đi cùng, cho phép hành vi gây mất an toàn xảy ra.
Sử dụng điện thoại khi lái xe cũng là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông.
Nghiên cứu chỉ ra 49% người dân xứ sở chuột túi không yêu cầu bạn bè hoặc thành viên trong gia đình ngồi sau vô-lăng giảm tốc độ, vì họ tin rằng việc cảnh báo các tài xế không phải là trách nhiệm của mình.
Ngoài ra, 46% người sử dụng dịch vụ Uber, taxi hay tài xế riêng cũng không nhắc nhở tài xế không được dùng điện thoại khi lái xe. Một số người đồng hành nêu lý do rằng họ e ngại hoặc không muốn làm phiền tài xế.
Một đại diện của ARSF cho biết, để giảm thiểu số lượng tai nạn giao thông, phải bắt đầu từ ý thức của bản thân người tham gia giao thông chứ không phải từ giới chức hay những quy định giao thông đường bộ. "Chúng ta cần phải tạo ra một văn hóa tẩy chay hành vi lái xe ẩu thay vì đổ trách nhiệm cho người khác", ông nói.
Tại Australia, sáng kiến Ngày thứ Sáu không tai nạn nhằm giáo dục từng cá nhân tham gia giao thông về vai trò của họ trong việc giảm thiểu những hậu quả nặng nề của các vụ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, các ngày thứ sáu vẫn liên tục là những ngày có nhiều tai nạn gây chết người nhất trong tuần trên các con đường của quốc gia này, với con số thương vong vào khoảng 214 người trong năm 2016 – chiếm 16% số thương vong do tai nạn giao thông năm ngoái tại Australia.
Nghiên cứu cũng cho thấy, khoảng 58% tài xế thoát hiểm trong gang tấc khoảng mỗi tháng một lần, trong khi 18% lái xe khác lại trải qua tình huống nghiêm trọng tương tự với tần suất một tuần một lần.
"Chúng ta kêu gọi mỗi người lái xe, hành khách, người đi xe đạp và người đi bộ nhận thức rõ vai trò khi tham gia giao thông bởi vì mọi quyết định khi các bạn đưa ra có thể tạo một sự khác biệt lớn lao giữa sự sống và cái chết", ARSF kêu gọi.
Châu AnhNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn