Thông tin cá nhân
Họ và tên: Lê Khánh Linh
Năm sinh 1995
Hiện đang là sinh viên trường ĐH Ngoại thương Hà Nội.
Hoạt động và thành tích cá nhân
Giải nhất cuộc thi tranh biện “Hướng về biển”
Giải nhì cuộc thi tranh biện “Khởi nghiệp”
Giải ba cuộc thi tranh luận, hùng biện “BnW 2014”
Giải ba học sinh giỏi quốc gia – Môn Ngữ văn
Đồng sáng lập Tổ chức hợp tác thanh niên Việt Nam – VYCO
Khách mời chương trình “Văn hóa, sự kiện, nhân vật”, gala “Việc tử tế” (VTV3), “Cuộc sống thường nhật” (VTV1), “Tôi lên tiếng”, chuỗi sê-ri “Kỹ năng sống” và gala 2016 (VTV6).
Lê Khánh Linh - cô nữ sinh năng động trường Ngoại thương.
Hành trình đi tìm lời đáp cho những câu hỏi
Như nhiều bạn trẻ khác, Linh bước vào đại học để tìm lời giải về những câu hỏi lớn: Mình sẽ thích nghi cuộc sống mới thế nào? Thế giới ngoài kia có những gì? Mình là ai? Tương lai làm gì?...
“Em nghĩ mình không thể ngồi trong phòng kín và suy nghĩ về cuộc đời, mà phải ra ngoài xem mới biết thời tiết nóng hay lạnh. Mình phải trải nắng, trải mưa mới biết cuộc sống như thế nào. Cuộc sống không phải dùng để quan sát, cuộc sống là để trải nghiệm”, Linh chia sẻ.
Và hoạt động đầu tiên Linh thử sức trong năm nhất đại học là cuộc thi hùng biện của tổ chức YVS. Sau đó, Linh tìm hiểu nhiều hơn, tham gia nhiều hơn lĩnh vực này và say mê lúc nào không biết. Với mong muốn học hỏi, khám phá bản thân, khám phá cuộc sống, Linh còn thử sức ở nhiều vai trò, nhiều sân chơi khác nhau: Phát thanh viên YMC (CLB truyền thông FTU), Hội SV trường, Đồng sáng lập VYCO (phụ trách mảng Nhân sự).
Với kĩ năng tranh biện, Linh thường đặt mình đứng ở những cương vị khác nhau để nhìn cuộc đời theo các cách khác nhau. Trong quá trình đó, Linh “góp nhặt” cho mình nhiều bài học và sàng lọc để chọn ra những giá trị phù hợp.
Ngoài hùng biện, Linh còn tìm thấy đam mê, mong muốn gắn bó với lĩnh vực giáo dục, truyền thông, nhân sự trong tương lai. Cũng vì điều này, Linh nhận ra ngành Kinh tế đối ngoại của trường ĐH Ngoại thương không phải là lĩnh vực dành cho mình. Tuy nhiên, Linh không từ bỏ, mà vẫn cố gắng hoàn thành chương trình đại học.
“Nếu cuộc sống đá mình một cái, hãy để nó đá ta về phía trước. Em đi tiếp, để biết mình sai ở đâu và không lặp lại nó nữa. Hơn nữa, nếu quay lại ở điểm xuất phát, thì em sẽ không biết điều gì chờ đợi mình ở phía sau. Đây là môi trường thực sự tốt, nên em mong chờ nhận những giá trị khác, ngoài kiến thức chuyên ngành.
Nếu bạn học Ngoại Thương nhưng lại mong muốn làm giáo dục, truyền thông hay nhân sự, thì hãy làm nó theo cách của một sinh viên ngoại thương đã được học”, Linh phân tích.
“Nếu cuộc sống đá mình một cái, hãy để nó đá ta về phía trước. Em đi tiếp, để biết mình sai ở đâu và không lặp lại nó nữa...", Linh chia sẻ.
Tuy nhiên, trong năm nhất, vì mải mê tham gia các hoạt động, Linh ít khi về quê. Trong suy nghĩ của Linh lúc đó, gia đình là nơi bất cứ lúc nào mình quay đầu vẫn sẽ còn ở đấy. Còn những cái khác là cảnh quan dọc đường, nếu bỏ qua thì sẽ không quay lại nữa.
“Nhưng khi ông nội mất, em nhận ra rằng: Có những người sẽ không ở mãi với ta, nên khi còn có thể gặp gỡ ai đấy, em muốn quay về và gặp họ trước”, cô tâm sự. Do đó, từ năm thứ 2 đại học, Linh đã trưởng thành hơn bằng việc cân bằng giữa gia đình, học tập và hành trình trải nghiệm của mình.
Có duyên lên truyền hình
Linh tự “cười” mình là người có duyên lên truyền hình. Hồi còn nhỏ, Linh lên sóng chương trình Chúng em với an toàn giao thông (Đài truyền hình Thanh Hóa). Trong mấy năm đại học vừa qua, Linh tiếp tục tham gia nhiều chương trình của đài truyền hình VTV với tư cách khách mời.
Niềm vui Linh tham gia chương trình, không xuất phát từ mục đích nổi tiếng mà vì mong muốn lan tỏa tư duy tích cực của mình. Ngoài ra, việc tham gia các chương trình cũng là cách để Linh bồi đắp thêm các giá trị của mình. Ở chương trình “Tôi lên tiếng”, Linh tiếp xúc và lắng nghe quan điểm của các bạn trẻ, Linh có thêm nhiều góc nhìn mới. Nhưng cũng vì thế, mà Linh nhận ra trong tư tưởng của không ít người vẫn tồn tại các định kiến.
Cô cho biết: “Em mong chúng ta có thể gỡ bỏ dần những định kiến. Trên đời này không có gì là bình thường, cũng không có gì là bất bình thường. Có chăng là những điều thông thường thuộc về số đông. Và những điều không thuộc về số đông là không thông thường mà thôi”.
Linh và các thành viên đồng sáng lập Tổ chức hợp tác thanh niên Việt Nam - VYCO.
Mở lớp hùng biện miễn phí
Với mong muốn chia sẻ lại những giá trị mình có cho các bạn trẻ, trong những ngày hè vừa qua, Linh mở lớp Kĩ năng hùng biện và làm chủ ngôn ngữ miễn phí. Linh luôn động viên mọi người tập nói, tập nghĩ, tránh việc bỏ qua các vấn đề trong đời sống, cùng trao đổi, xây dựng ý kiến, để có được cái nhìn toàn diện. Từ đó, mỗi học viên sẽ được rèn luyện và hướng dẫn để nâng cao khả năng trình bày, thuyết phục người khác. Không nhận là người dạy học, Linh gọi mình là điều phối viên, ví mình “giống như bàn tay nhào nặn giúp khối đất suy nghĩ và ý tưởng của mọi người trở thành những hình thù theo khuôn thức đẹp đẽ và gọn gàng hơn”.
Trong lớp học hùng biện, Linh luôn đề cao sự tỉnh táo khi tiếp nhận vấn đề nào đó, vì thời đại này con người dễ bị “dắt mũi” bởi thông tin sai lệch. Đứng trước vấn đề đạo nhạc từng gây xôn xao, tranh cãi, Linh đặt ra nhiều câu hỏi: Trong cuộc sống có phải thường gặp đâu đó sự giống nhau? Đôi khi thần tượng ai đó và bắt chước họ có nên không?
“Có câu nói rằng chúng ta sinh ra là một bản gốc, đừng chết như một bản sao. Nhưng em nghĩ việc học hỏi cái tốt trên đời này cũng tốt lắm chứ. Vậy thì làm thế nào để vừa học tập để trở thành bản gốc mà không biến mình thành bản sao?..”, cô nhìn nhận.
Bằng cách đặt câu hỏi như vậy, Linh tìm cho mình những góc nhìn khách quan hơn, đa chiều hơn về cuộc sống xung quanh. “Em cố gắng nhìn mọi việc bằng cái nhìn bao dung, đặt mình vào nhiều tâm thế, xem người trong cuộc như thế nào, để tránh suy nghĩ định kiến và phiến diện. Chúng ta hãy học cách bao dung và đừng cho phép mình quyền được phán xét ai đó”, cô gái sinh năm 1995 này tự nhủ.
Khánh Linh và lớp học hùng biện miễn phí khóa 1.
Hoài Thư
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn