Vừa qua, trong chuyến đi thực nghiệm tại một số trường miền núi của tỉnh Hà Nam, tôi biết đến hoàn cảnh rất đáng thương và đầy nghị lực của em Trịnh Thị Phương Linh. Em đang là học sinh lớp 7C, Trường THCS Tân Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Bố Linh kể, từ nhỏ em đã ốm quặt quẹo. Đến năm 6 tuổi, em được phát hiện bị bệnh viêm thận lupus sau một đợt sốt cao. Sau hơn một tháng nằm viện, bệnh tình của em mới qua cơn nguy cấp. Nhưng cũng kể từ đó, em phải chung sống với bệnh tật.
Hàng tháng, Linh phải lên Hà Nội để tái khám, lọc máu và lấy thuốc uống cho đến tháng sau. Căn nhà tuyềnh toàng bố con Linh đang ở nằm tít tận cuối xóm núi heo hút. Bố mẹ Linh ngày xưa đi phụ hồ, lương chẳng là bao. Giờ đây sức khỏe của bố Linh sa sút trông thấy.
Hiện, nhà chỉ còn hai bố con. Bố Linh chỉ quanh quẩn phụ vữa quanh làng để tiện chăm sóc em. Mấy năm nay, mẹ cũng phải lên thành phố đi lượm ve chai để nuôi anh trai của Linh đang học đại học và lo tiền thuốc thang cho em.
Từ khi phát hiện ra bệnh cũng là lúc Phương Linh bước vào lớp một. Năm đó, bố mẹ định không cho Linh đi học bởi em vừa qua đợt điều trị liều cao đầu tiên, cơ thể còn rất yếu. Nhưng thấy bạn bè cùng xóm nô nức chờ mong ngày khai giảng khiến Linh càng khao khát được đến trường. Thương con, bố mẹ đành để Linh đi học. Những tưởng căn bệnh quái ác sẽ sớm quật ngã và cắt đứt con đường đến trường của Linh. Nhưng không, chỉ trừ những hôm phải đi chạy thận và lấy thuốc, còn lại Phương Linh chưa nghỉ học buổi nào. Dù nhà cách trường gần chục cây số, nhưng mặc cho mưa, nắng hay mệt mỏi, em vẫn nhất quyết theo bạn đi học.
Em Linh từ nhỏ đã bị bệnh tật hành hạ nhưng sớm biết chăm ngoan. Nhà hầu như chỉ có hai bố con sống với nhau. Thương bố cực nhọc đi phu hồ, nên dù bệnh mệt mỏi, em vẫn cố gắng dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ thổi cơm cho bố yên tâm đi làm. Buổi sáng Linh thường dậy sớm, cho lợn gà ăn và thổi cơm cho bố ăn trước khi đi làm. Em cũng đem phần cơm theo để đến lớp ăn trưa.
Cô Trần Thị Lan, Phó Hiệu trưởng nhà trường kể rằng có nhiều khi bệnh trở nặng, em Linh bị phù nề toàn thân, cơ thể căng tức, đau nhức vô cùng. Dù mệt mỏi và khó chịu lắm nhưng em vẫn kiên trì đến lớp. Ai nấy đều thương và khâm phục sự cố gắng của Linh. Cô còn kể thêm vì nhà xa nên buổi trưa Linh thường ở lại trường, không về. Bữa trưa của em thường là khoai lang hoặc ngô luộc, thỉnh thoảng có cơm nắm lá chuối khô ăn với muối lạc. Tuy vất vả nhưng thành tích học tập của Linh rất đáng khen. 6 năm liền em đều là học sinh chăm ngoan, học giỏi, và là tấm gương tiêu biểu của nhà trường.
Trò chuyện với Linh, điều đầu tiên tôi cảm nhận được đó là sự chững chạc, lễ phép và hoạt bát, hóm hỉnh trong từng câu nói. Em bảo rằng chỉ ước mình không phải uống thuốc. Em mong lớn thật nhanh để bố mẹ đỡ khổ. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này có thể làm bác sĩ chữa bệnh cho mọi người. Em cũng muốn trở thành cô giáo.
Nghe Linh kể về những ước mơ của mình, tôi lại càng thương em hơn. Tôi không dám nghĩ đến những điều quá xa xôi, nhưng chỉ mong một phép màu nào đó sẽ đến với Linh. Mong rằng một trong muôn vàn điều ước đẹp đẽ của Linh sẽ thành hiện thực.
Đặng Thị Vân
Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây .
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn