Theo phản ánh của anh Phạm Văn Long (sinh năm 1986, trú tại thôn Phú Vinh, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), do hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ anh - bà Bùi Thị Nhật (sinh năm 1965) - đã tìm công ty đi xuất khẩu lao động để cải thiện kinh tế gia đình.
Qua môi giới, bà Nhật đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần nguồn nhân lực và phát triển kinh tế hợp tác, Chi nhánh Hùng Vương, Trung tâm đào tạo GTS Group để đi Saudi Arabia (Ả rập xê út). Vào ngày 7/5/2016, bà Nhật chính thức xuất cảnh.
Lúc bà Nhật làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động, các con trong gia đình không hề hay biết. Chỉ đến khi lên sân bay, bà Nhật mới thông báo với gia đình việc sang Saudi Arabia làm giúp việc.
Khi đó, anh Phạm Văn Khánh (SN 1984), con trai cả của bà Nhật, đã khuyên bà nên nghĩ lại. Vì anh Khánh đã từng đi xuất khẩu lao động ở Saudi Arabia nên biết công việc vô cùng vất vả, khí hậu khắc nghiệt, thời gian làm việc kéo dài từ 10 - 12 tiếng/ngày, ăn uống không hợp khẩu vị…
Hai người con dâu và các cháu của bà Nhật tại quê nhà Thái Bình
Mặc dù các con khuyên can, nhưng bà Nhật vẫn nhất quyết định ra đi với mong muốn đưa gia đình mình thoát nghèo.
Vừa sang đến Saudi Arabia, bà Nhật được tạm ứng 3 triệu đồng. Đến cuối tháng số tiền trên bà chuyển về cho gia đình mình. Đến tháng thứ 2, bà Nhật gọi điện về cho gia đình báo là bị chủ nợ lương, bị bỏ đói một ngày ăn có 1 bữa và có hành vi bạo lực.
Bà Nhật đã gọi điện về công ty cổ phần nguồn nhân lực và phát triển kinh tế hợp tác, Chi nhánh Hùng Vương, Trung tâm đào tạo GTS Group để phản ánh. Bà Nhật nhờ phía Công ty gọi điện cho nhà chủ để nói giúp. Công ty này cũng hứa sẽ gọi điện can thiệp.
Nhưng tình hình vẫn không hề có biến chuyển. Trong một lần lên lắp bóng điện bà Nhật bị ngã, mặt sưng, tay bị thương. Nhưng phía chủ nhà vẫn bắt bà Nhật phải tiếp tục làm việc.
Do quá sức chịu đựng đến ngày 4/7, bà Nhật đã phải bỏ trốn khỏi nhà chủ, chạy vào đồn cảnh sát gần đấy để xin được giúp đỡ. Sau đấy bà Nhật được đưa vào trại tập trung.
Đơn kêu cứu của gia đình bà Nhật, có xác nhận của công an xã.
Trao đổi với PV Dân trí, anh Phạm Văn Long, con trai thứ 2 của bà Nhật cho biết: “Khi mẹ tôi được đưa vào trại tập trung, tôi có liên lạc được với mẹ. Mẹ tôi nói lại sức khỏe đã đỡ hơn, được ăn uống tốt hơn so với nhà chủ. Nhưng từ giữa tháng 7 đến nay gia đình tôi mất hoàn toàn liên lạc với mẹ tôi”.
Sau khi nhận được tin mẹ mình vào trại tập trung, anh Long đã gọi điện thẳng cho người môi giới, đồng thời đến trực tiếp đến trụ sở của Công ty cổ phần nguồn nhân lực và phát triển kinh tế hợp tác, Chi nhánh Hùng Vương, ở số 10, LK6, KĐT Mậu Lương, Hà Đông, Hà Nội, để xin giúp đỡ.
Chị Nguyễn Thị Thúy (SN 1984), con dâu của bà Nhật cho hay: “Sau khi gia đình chúng tôi gửi đơn lên công ty và các cơ quan chức năng. Phía công ty cho biết nếu muốn mẹ tôi về nước, phải đóng 2.000 USD nộp phạt, cộng với tiền vé máy bay đưa mẹ tôi về chi phía gần 60 triệu đồng”.
Đến ngày 15/8, gia đình bà Nhật liên tục nhận được cuộc gọi từ phía Công ty cổ phần nguồn nhân lực và phát triển kinh tế hợp tác, Chi nhánh Hùng Vương nói về việc không cần đóng tiền phạt và chỉ đóng tiền vé máy bay khoảng 20 triệu đồng để bà Nhật về nước.
Anh Long bức xúc cho biết: “Giờ gia đình vẫn không thể nào liên lạc được với mẹ của tôi. Đến Công ty thì họ bảo đang xác minh giải quyết, giờ thì thúc giục chúng tôi đóng tiền để đưa mẹ chúng tôi về. Không hiểu mẹ tôi sức khỏe thế nào”.
Trước sự việc trên, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhằm làm rõ tình hình và có sự hỗ trợ kịp thời với bà Bùi Thị Nhật.
Đức Văn
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn