Người lao động sẽ được tự quản lý sổ BHXH từ năm 2016
Trung tuần tháng 8, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân đã ký công văn số 2919/LĐTBXH - BHXH đồng ý với đề xuất của BHXH VN về việc cấp lại sổ BHXH và trả trực tiếp cho người lao động tại Công ty CP công nghệ phẩm Hải Phòng và Công ty CP cung ứng tàu biển Hải Phòng.
Đây là sự việc có tính hi hữu trong việc triển khai chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Bởi lẽ theo khoản 2 Điều 97 Luật BHXH năm 2014 và Điểm 2.1 Khoản 2 Điều 46 Quyết định số 959 ngày 9/9/2015 của Tổng giám đốc BHXH VN: “Cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội trong 2 trường hợp, hoặc là bị mất sổ hoặc bị hưu hỏng, rách nát không thể tiếp tục sử dụng được”.
Tuy nhiên, theo thông tin cung cấp từ các cơ quan chức năng, số lượng sổ BHXH của 2 doanh nghiệp đề cập như trên không hề mất hoặc rách rát đến mức không sử dụng được mà do những lý do hoàn toàn khác.
Lý giải về tình huống này, trong văn bản mới đây gửi BHXH VN, UBND TP Hải Phòng đã cho biết lý do như sau:
Về phía Công ty Cổ phần công nghệ phẩm Hải Phòng: Do sự tranh chấp quyền quản lý khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp giữa các thành viên có thẩm quyền giữ con dấu và giữ sổ BHXH. Sự việc tranh chấp diễn ra và được nhiều cấp thẩm quyền xử lý nhưng chưa có kết quả. Sổ BHXH của gần 60 người lao động đã bị một cá nhân giữ nhiều năm. Công đoàn công ty và người lao động đã gửi đơn kêu cứu tới cơ quan chức năng.
Quyết định cấp sổ BHXH mới cho người lao động thuộc 2 doanh nghiệp trên dù chưa có tính tiền lệ nhưng đã phần nào giúp người lao động đảm bảo quyền lợi hợp pháp khi tham gia chính sách BHXH.
Trong khi đó, nhiều lao động của công ty đã quá tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn chưa được giải quyết hưởng chế độ do không có sổ bảo hiểm xã hội, khi ốm đau không có thẻ BHYT để đi khám chữa bệnh. Thậm chí, một số lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động không có sổ BHXH để giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Với công ty Cổ phần cung ứng tàu biển Hải Phòng, tình trạng sổ BHXH của người lao động cũng tương tự. Do mâu thuẫn nội bộ, một số cá nhân đã niêm phong văn phòng công ty, trong đó có sổ BHXH của người lao động. Cuộc tranh chấp nhiều năm nhưng chưa có kết quả và chưa có cơ quan nào đứng ra mở niêm phong để lấy sổ BHXH trả cho người lao động.
Nhiều lao động của công ty đã quá tuổi được hưởng lương hưu nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết do không có sổ BHXH.
Trên thực tế này, LĐLĐ thành phố Hải Phòng đã gửi đơn đề nghị UBND thành phố và xin ý kiến BHXH VN cho phép cấp lại sổ BHXH cho người lao động tại 2 doanh nghiệp trên; đồng thời báo hủy toàn bộ số số BHXH cũ đã cấp tại Công ty Cổ phần công nghệ phẩm Hải phòng do một cá nhân đang chiếm giữ và số sổ BHXH đang bị niêm phong tại Công ty Cổ phần cung ứng tàu biển Hải Phòng.
Từ 1/1/2016, người lao động được quyền giữ sổ bảo hiểm xã hội
Quy định này sẽ hạn chế tình trạng doanh nghiệp phá sản, tranh chấp ảnh hưởng tới việc đóng và quản lý sổ BHXH của người lao động. Căn cứ để người lao động tự quản lý sổ BHXH dựa quy định của Luật BHXH năm 2014 và Quyết định 959/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về ban hành quy định về quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.
Cụ thể:
Trích Khoản 2, Điều 18 về quyền của người lao động (Luật bảo hiểm xã hội 2014): Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.
Trích Khoản 3, Điều 19 về trách nhiệm của người lao động (Luật BHXH năm 2014): Được bảo quản sổ bảo hiểm xã hội.
Trích Khoản 3, Điều 49 về trách nhiệm của người tham gia (Quyết định 959/QĐ-BHXH): Tự bảo quản sổ BHXH (từ 01/01/2016), thẻ BHYT.
Hoàng Mạnh
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn