Việc tăng tuổi hưu cần có quy định riêng nhóm lao động tham gia trực tiếp sản xuất.
Để làm rõ hơn vấn đề này, Thứ trưởng Phạm Minh Huân đã có cuộc trao đổi với báo giới.
Thưa Thứ trưởng, trong quá trình sơ kết 3 năm thực hiện Bộ Luật lao động năm 2012, nhiều ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu. Quan điểm của ông về vấn đề ra sao?
Tuổi nghỉ hưu đang là một trong những vấn đề được đặt ra khi sửa đổi Bộ luật lao động năm 2012. Trong quá trình sơ kết đánh giá Bộ luật, nhiều ý kiến đưa ra cho rằng chúng ta phải cân nhắc lại xem tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng lên.
Lý do được đưa ra là quá trình già hóa dân số đang diễn ra, chúng ta phải sử dụng tốt nguồn nhân lực khi nhiều người đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn còn khả năng đóng góp tốt trong một số ngành nghề.
Bên cạnh đó, chúng ta phải tính tới “câu chuyện” dài hơi hơn của 10-15 năm tới đây.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu là tình hình chung của thế giới hiện nay, không phải riêng chúng ta. Tuy nhiên, mỗi nước có hướng đi khác nhau tùy điều kinh tế xã hội. Chính phủ đã 2 lần đưa vấn đề này ra Quốc hội nhưng chưa được sự đồng thuận.
Việt Nam có đặc thù là quá trình già hóa dân số và quá trình dân số vàng đang đan xen. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm sao tận dụng được nguồn nhân lực nhưng cũng phải bảo đảm việc làm, an toàn cho quỹ BHXH.
Cụ thể nhiều ý kiến cho rằng khi sửa đổi Luật lao động năm 2012, cần nâng tuổi hưu của nam lên 62 và nữ lên 60, ông có nhận định gì?
Đây là phương án đang được xem xét. Khi chuẩn bị trình Luật BHXH năm 2014, chúng tôi đã từng nghiên cứu, tính toán nhưng khi trình Quốc hội thì chưa đồng tình. Bây giờ chúng tôi cũng phải cập nhật để tính toán lại.
Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số nhưng cũng không vì thế mà nóng vội. Thông thường, các nước khác tăng tuổi hưu để tránh tác động thì họ sẽ tăng dần. Tôi cho rằng phải có lộ trình tăng dần, tất nhiên cũng phải phân loại các ngành nghề cụ thể.
Tuy nhiên, lộ trình nào cũng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến người lao động. Đây là quá trình tính toán phải kết hợp cả khoa học, thực tiễn để làm sao đưa ra các phương án trình Quốc hội.
Thưa Thứ trưởng, khi đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu, Bộ có tính đến tác động đối với tuyển dụng lao động trẻ ra sao, nhất là sau khi có thông tin về việc một số doanh nghiệp tuyển dụng lao động thời gian ngắn rồi lại cho nghỉ và tuyển mới nhằm làm giảm kinh phí đóng BHXH?
Vấn đề này, chúng ta phải rà soát xem có vấn đề gì quy định còn có khe hở. Tôi khẳng định chúng ta tạo quyền chủ động cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp cũng phải ý thức thực hiện các quy định.
Sự việc đang gây sự chú ý gần đây là việc hàng ngàn lao động nghỉ việc ở công ty Honda Việt Nam thời gian qua là điều cần xem xét. Bộ LĐ-TB&XH đã yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc cụ thể báo cáo cụ thể. Nhưng rất tiếc, Bộ vẫn chưa nhận được báo cáo này nên chưa thể kết luận điều gì.
Sắp tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trực tiếp nắm tình hình, xem xét vấn đề này thuộc về chính sách hay tổ chức thực hiện. Tôi cho rằng, những doanh nghiệp quan niệm sử dụng lao động trong thời gian dồi đào nhất rồi “đẩy” người lao động ra đường là chưa hợp lý.
Vậy trước lo ngại về vấn đề doanh nghiệp có thể lợi dụng những kẽ hở để lách luật, lạm dụng việc việc cho lao động nghỉ thì sẽ phải giải quyết ra sao, thưa Thứ trưởng?
Pháp luật quy định, người sử dụng lao động phải tuyển và tạo việc làm ổn định cho người lao động. Trong quá trình sản xuất kinh doanh có thể xảy ra những vấn đề khác nhau dẫn đến việc doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, phải đưa người lao động ra và phải cơ cấu lại sản xuất.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải bổ sung chính sách đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tránh hiện tượng lợi dụng gây thiệt hại cho người lao động và ảnh hưởng đến thị trường lao động.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã chấp nhận nâng tuổi hưu của người lao động, cụ thể: Brazil, Namphi, Argentina: Nam nghỉ hưu ở 65 tuổi, nữ 60 tuổi; Kazakhstan: Nam 63, nữ 58; Úc: Nam 65, nữ 63; Lào và Campuchia: Nam và nữ nghỉ hưu ở tuổi 60…
Xin cảm ơn ông
Hoàng Mạnh thực hiện
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn