Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thu T - một tiến sĩ toán học tốt nghiệp tại Nga, khi nói về mức lương giảng viên ít ỏi nhận được tại trường đại học.
Lương thấp, áp lực gia đình
Chị T. cho biết, bố chị là một giáo viên dạy toán cấp 3. Từ nhỏ theo bố đến trường chơi đùa và hàng ngày được bố kèm cặp, tình yêu với môn học có vẻ khô khan này cứ lớn dần hơn trong chị.
Dẫn đầu lớp cấp 2 về các môn tự nhiên, chị T. dễ dàng thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh và lớp chất lượng cao một trường có tiếng về khoa học tự nhiên tại Hà Nội.
“Sau khi kết thúc năm học đầu tiên, mình được khoa thông báo đủ điều kiện làm hồ sơ đi du học tại Nga. Lúc đó cũng lượng lự lắm, vì đi hay ở lại cũng đều có những cái hay nhất định. Nhưng bố tôi lúc đó động viên nên đi du học vì Nga là nước có nền khoa học cơ bản, với những ngành như Toán học sẽ tốt với những người có ý định theo con đường giảng dạy, nghiên cứu như tôi.
Chị Nguyễn Thu T. thời gian còn học tập tại Nga
Từ lời động viên của bố, tôi đã dành chọn 9 năm ở Nga để học xong chương trình Tiến sĩ. Cũng may mắn là trong thời gian đó, tôi đã gặp và quen được người chồng bây giờ. Anh đến từ miền Trung, chịu thương, chịu khó và hết lòng quan tâm đến tôi”, chị T. chia sẻ.
Tốt nghiệp về nước năm 2014, chị T. cũng gửi hồ sơ đến một vài nơi. Với những thành tích và nỗ lực đã đạt được tại Nga, chị nhanh chóng được nhận vào giảng dạy tại một trường Đại học có tiếng tại Hà Nội. Nhưng cũng từ đây, khái niệm “cơm áo gạo tiền” bắt đầu đeo đuổi và khiến chị cùng chồng cảm thấy mệt mỏi, chán nản.
“Vợ chồng tôi đều là viên chức nhà nước hết. Chồng tôi làm trong quân đội, lương cũng trên 7 triệu một chút. Còn tôi nhận mức lương khởi điểm 3 triệu. Nhận thêm các khoản hỗ trợ cũng chỉ hơn 4 triệu một chút. Trong khi đó tiền thuê nhà, sinh hoạt, đi lại thật sự quá tốn kém. Thu nhập của tôi và chồng chi tiêu tiết kiệm mới đủ sống. Khi nào có dịp nghỉ lễ hay giỗ tết gì về quê nội, ngoại thì phải chạy vạy vay mượn bạn bè, mỗi người một ít”, chị T. kể.
Sau khi bàn đi tính lại, chị T. và chồng quyết định phải kiếm công việc để làm thêm ngoài giờ để tăng thu nhập cho gia đình. Chị T. được một trung tâm tiếng Nga mời về dạy buổi tối cho các học viên có nhu cầu đi du học và xuất khẩu lao động. Còn chồng chị nhận thêm tài liệu tiếng Nga về dịch tại nhà.
“Tôi một tuần dạy thêm 3 buổi tối thứ 2, thứ 4 và thứ 6. Chồng tôi dù đi làm cả ngày vất vả nhưng tối về vẫn phụ vợ cơm nước. Hôm nào tôi đi dạy thì anh tự đi chợ, nấu nướng rồi chờ tôi về cùng ăn. 2 vợ chồng vẫn đảm bảo công việc tại cơ quan, vẫn tranh thủ thời gian làm ngoài để kiếm thêm thu nhập. Gần 1 năm nay, tôi và chồng cùng cố gắng. Tích lũy dù không có nhiều nhưng cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn so với trước”, chị T. chia sẻ.
Mong tiền lương tương xứng
9 năm học tập bên Nga, chị T. từng được giáo viên hướng dẫn chia sẻ nhiều về gia đình, công việc, về chuyện lương thưởng. Với những giảng viên đại học ở Ngam chuyện làm thêm dường như rất hiếm vì tiền lương họ nhận được trong công việc đủ để trang trải cuộc sống và nhu cầu cá nhân.
“Lương của các giáo sư, giảng viên người Nga so với Việt Nam thì cao hơn nhiều. Khi trả lời tôi chỉ nhận được mức lương 3 triệu/tháng họ đã giật mình. Thú thật, tôi dù đã tìm hiểu trước nhưng khi đi làm vẫn không khỏi băn khoăn lo lắng. 9 năm học bên Nga, hàng tháng đều đặn tôi nhận số tiền trợ cấp từ nhà nước và của trường đại học hơn 10 triệu. Số tiền đó với sinh viên chúng tôi là lớn.
Ngoài tiền ăn tiêu, sinh hoạt, thì chúng tôi cũng dành dụm được chút ít để mua đồ dùng sinh hoạt, gửi về cho gia đình. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến cảnh 2 vợ chồng cùng quần quật làm chính, làm thêm mà vẫn thiếu tiền, không đủ trang trải cuộc sống. Nghĩ lại thời đó mà thèm quá”, chị T. tâm sự.
Theo chị T. với những người làm nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực toán học thì việc làm giàu gần như là không thể. Những người bạn tốt nghiệp cùng chị bên Nga học ngành kinh tế, tin học hay báo chí đều có mức thu nhập cao hơn nhiều.
“Tôi nói vậy không phải là ganh tỵ gì cả. Tôi chỉ có chút chạnh lòng thôi. Chế độ với những người làm nghiên cứu khoa học như chúng tôi quá thấp. Giá như có sự thay đổi về mức lương, mức thưởng hay nâng cao giá trị của các công trình thì chúng tôi sẽ bớt khổ hơn”, chị T. ngậm ngùi nói.
Học xong tiến sĩ về nước cũng đã 28 tuổi. Sau nửa năm ổn định thì chị T. lập gia đình. Cuộc sống thuê trọ vất vả tại Hà Nội khiến chị và chồng ngập ngừng trong chuyện sinh con.
“Tôi và chồng lúc đầu có ý định kế hoạch để dành thêm thời gian tích cóp đi làm. Sinh con ra mà thiếu thốn thì cả mẹ, cả con, cả gia đình đều khổ theo. Nhưng tôi cũng đã có tuổi, gia đình hai bên nội ngoại cũng giục nhiều. Vợ chồng đành phải chiều lòng các cụ.
Bây giờ tôi đang có bầu được 3 tháng. Vẫn đều đặn đến trường và đi dạy thêm, lo toan cuộc sống. Tuy nhiên tôi cũng bắt đầu cảm thấy lo lắng hơn. Mấy tháng nữa nặng nề không đi lại được phải ở nhà thì gánh nặng lại đè lên vai chồng tôi. Nhiều lúc thấy buồn tủi nhưng cũng may mắn là vợ chồng thông cảm và chia sẻ được mọi thứ với nhau”, chị T. lo lắng.
Theo Báo Đất Việt
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn