Muốn cống hiến nhưng môi trường quá ngột ngạt
Đó là khẳng định của anh Phạm Quốc T., một Tiến sĩ ngành Công nghệ sinh học tại Nga với Đất Việt khi nói về môi trường làm việc cho đội ngũ trí thức tại Việt Nam.
Anh T. cho biết, sau khi kết thúc năm đầu đại học tại Việt Nam, anh đã nhận được học bổng toàn phần đi du học tại Nga chuyên ngành “công nghệ sinh học”. Với đam mê và niềm yêu thích đặc biệt, dù có những khó khăn về ngôn ngữ ban đầu nhưng anh T. đã sớm thể hiện năng lực của bản thân với giáo viên, bạn bè Nga.
Sau khi hoàn thành khóa học đại học, anh được trường nhận lên học thạc sĩ rồi tốt nghiệp tiến sĩ với tấm bằng loại giỏi vào năm 2014.
“Ngay từ khi đi học, tôi lúc nào cũng có ý nghĩ sẽ về nước làm việc. Sau khi về nước mất khoảng nửa năm để tôi xin được công việc phù hợp chuyên ngành đã học với mức lương trên 3 triệu/tháng. Cùng thời điểm trên tôi cũng lập gia đình với người vợ học cùng thành phố. Hai vợ chồng đều từ ngoại tỉnh đến, hàng tháng tiền thuê nhà, tiền ăn uống, sinh hoạt cũng lên tới 10 triệu. Đó là còn tằn tiện, nếu tiêu hoang có thể tốn hơn”, anh T.nói.
Dù lương thấp nhưng anh T. không dám đòi hỏi gì nhiều, bởi lẽ các đồng nghiệp vào trước anh cũng nhận mức lương thế.
“Đã làm khoa học thì không xác định lương cao. Đặc biệt là làm trong các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên tôi không nản vì thu nhập thấp. Cái này có thể cải thiện qua quá trình công tác và nếu có công trình nghiên cứu sẽ có thêm tiền trang trải cuộc sống. Cái tôi nản nhất là đến cơ quan nhưng dường như chưa được tin tưởng. Vẫn bị sếp nghi ngờ về năng lực.
Hàng sáng tôi phải đến sớm hơn, pha chè, rót nước để chờ sẵn sếp đến. Nhưng tôi cố gắng nhẫn nại. Sau khoảng 2 tháng thì tôi bắt đầu được giao làm việc cùng mọi người. Tuy nhiên tình hình không gì khá hơn khi ý kiến của tôi thường hay bị bác bỏ mà không rõ nguyên nhân. Tôi suy sụp tinh thần và cũng đắn đo khi quyết định nghỉ việc để tìm môi trường làm việc phù hợp hơn”, anh T. chia sẻ.
Anh T. cho biết, quyết định nghỉ việc nhà nước ra làm ngoài hồi cuối năm 2014 đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình, đặc biệt từ phía mẹ anh. Tuy nhiên sau 2 năm làm cho một công ty tư nhân về thực phẩm anh T. khẳng định lựa chọn của mình hoàn toàn đúng đắn.
“Mẹ tôi hồi đấy than phiền, người ta tìm đủ mọi cách để vào nhà nước. Đằng này tôi đã có công việc ổn định lại tìm cách bỏ ngang. Nhưng đến giờ bà không nói gì nữa mà vẫn âm thầm ủng hộ khi thấy tôi thu nhập ổn định hơn và cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn”, anh T. nói.
Sẽ chảy máu chất xám nếu môi trường không tốt
Chia sẻ thêm về công việc hiện tại, anh T. cho biết, hàng ngày anh vẫn đến cơ quan như công chức bình thường. Vẫn những nghiên cứu về sinh học, về môi trường thực phẩm không có quá nhiều khác biệt so với trước kia nhưng áp lực hơn và đòi hỏi phải bỏ nhiều công sức hơn.
“Chúng tôi được tin tưởng giao những máy móc, công nghệ đắt tiền, được sếp tin tưởng, tạo điều kiện. Đặc biệt, với các đồng nghiệp cũng tuổi đời trẻ như tôi, hoặc nhỉnh hơn một chút, việc trao đổi khi có vướng mắc rất đơn giản. Chúng tôi làm việc trên tinh thần tôn trọng nhau, sẵn sàng tranh luận khi có vấn đề chưa thông. Ở môi trường cũ, tôi thậm chí không dám nói trái ý kiến của lãnh đạo, chứ đừng nói là có những phát biểu riêng”, anh T. tâm sự.
Anh T. chia sẻ thêm, phòng anh hiện nay cũng có 1 vài người tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ tại Pháp, Đức, Mỹ nhưng không dám vào các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu làm việc vì những khác biệt về môi trường, về tư tưởng, quan điểm sống.
“Với người sức chịu đựng kém hoặc cái tôi quá lớn sẽ không thể trụ được lâu. Nếu tiếp tục làm việc tại đó sẽ không có hiệu quả, thậm chí sẽ nảy sinh thêm các bất đồng. Hiện tại tôi hoàn toàn hài lòng với công việc và mức lương được nhận cao gấp 6-7 lần trước đó. Tôi có thể chăm lo cho vợ, con gái và có thêm một chút tích lũy, dù không thật sự nhiều”, anh T. cho hay.
Hơn 10 năm học tập ở nước ngoài, anh T. khẳng định có rất đông bạn trẻ sau khi tốt nghiệp muốn về nước làm việc. Tuy nhiên để họ có niềm tin và động lực thì nhà nước cần phải thay đổi cơ chế, mức lương hay điều kiện làm việc.
“Nếu cứ giữ cách làm truyền thống như hiện nay, chắc chắn tình trạng chảy máu chất xám sẽ tiếp tục tồn tại và ngày càng có nhiều người nghi ngại hơn về quyết định về nước làm việc”, anh T. nói thêm.
Theo Hoàng Nam/Báo Đất Việt
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn