BHXH VN ước tính cần tăng mức đóng BHYT lên 6 % mức lương cơ sở. (Ảnh minh họa)
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH VN trao đổi với báo giới về thông tin liên quan tới đề xuất tăng mức đóng BHYT của Bộ Y tế nhằm đảm bảo cần đối quỹ BHYT và đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ y tế.
Mặc dù chưa nhận được đề xuất chính thức của Bộ Y tế về việc tăng mức đóng BHYT, nhưng với kinh nghiệm chuyên môn, ông Nguyễn Minh Thảo cho rằng các phương án tăng điều cần phải bàn tính kỹ lưỡng.
Theo BHXH VN, dù nguồn kết dư từ năm 2010 có thể giúp quỹ BHYT “co kéo” được tới hết năm 2017. Tuy nhiên, với lộ trình tăng giá dịch vụ y tế sẽ kéo làm phát sinh thêm những khoản chi tương ứng từ quỹ BHYT.
Đặc biệt, ông Nguyễn Minh Thảo cho rằng, mức đề xuất tăng mức đóng BHYT từ 0,3-0,5% lương cơ sở trong mỗi năm (một trong các phương án tăng của Bộ Y tế), kể từ năm 2018 sẽ khó giải quyết được nhiều vấn đề.
Theo đề xuất mới đây của Bộ Y tế về tăng mức đóng BHYT nhằm tránh nguy cơ thâm hụt quỹ BHYT trong vài năm tới. Cụ thể:
Phương án 1: Điều chỉnh tăng mức đóng BHYT thêm 0,3% lương cơ sở/năm. Theo đó lộ trình tăng mức đóng dự kiến năm 2019 là 4,8% lương cơ sở; năm 2010 là 5,1%; 2022 là 5,4%; 2023 là 5,7%; 2024 là 6%.
Phương án 2: Điều chỉnh tăng với mức 0,5% lương cơ sở/năm. Theo đó, dự kiến mức đóng BHYT năm 2019 là 5% lương; năm 2020 là 5,5% và năm 2021 là 6%.
Hiện mức đóng BHYT là 4,5% lương cơ sở.
“Từ 1/3, hơn 1.700 dịch vụ y tế tăng giá đã kéo theo việc tăng chi từ quỹ BHYT. Từ tháng 9/2016 tới đầu năm 2017, giá viện phí liên tục được điều chỉnh theo lộ trình. Trong khi đó, qua 6 tháng đầu năm 2016, tổng chi phí khám chữa bệnh đã tăng 40% so với cùng kỳ năm 2015, tương ứng với hơn 8.500 tỉ đồng. Có tới 37/63 tỉnh, thành chi vượt quỹ khám chữa bệnh được giao” - ông Nguyễn Minh Thảo lo ngại.
Ông Nguyễn Minh Thảo phân tích thêm: Nếu chỉ tăng mức đóng BHYT “nhỏ giọt” như đề xuất, kết dư quỹ BHYT sẽ không còn để bù vào chi phí đội lên. Do vậy cần tăng đến mức tối đa theo quy định là 6% lương cơ sở vào năm 2018”.
Theo tính toán về tác động của việc điều chỉnh giá viện phí của Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN), đến năm 2015, Quỹ BHYT kết dư gần 40.000 tỉ đồng. Sang tới năm 2016, chi phí đội thêm khoảng 15.000 tỉ đồng/năm vì viện phí và tăng đối tượng tham gia tăng thêm.
Cảnh báo về nguy cơ quỹ BHYT thâm hụt vào năm 2018, ông Lê Văn Phúc - Phó trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHYT, cho biết: Trung bình một thẻ BHYT thu được 621.000 đồng trong năm 2016, nhưng thời gian qua chi trung bình trên 700.000 đồng/thẻ. Đề xuất tăng mức đóng BHYT của Bộ Y từ năm 2019 thì sẽ quá muộn và còn thấp. Nên tính toán điều chỉnh mức đóng BHYT trước năm 2019”.
Hoàng Mạnh
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn