Mứt me vào vụ tết
Cứ vào khoảng tháng 9-10 âm lịch hàng năm, chị Nguyễn Thị Kim Chi, ngụ ấp Tân Thanh B, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An lại tất bật chuẩn bị làm mứt me bán tết. Đây là mùa me cho trái lớn, phù hợp để làm mứt. Để chế biến được mứt me có vị chua chua, ngọt ngọt, dai dai mà không nát phải trải qua rất nhiều công đoạn: Cắt cuống me, tách vỏ, bỏ hạt, xâm trái, ngâm muối hột, sên, phơi nắng và đóng gói. Các khâu sản xuất mứt me đều làm thủ công, không có chất bảo quản.
Tất cả những công đoạn trên cần có sự tỉ mỉ, cẩn thận và khéo tay của người thợ để trái me không bị gãy. Sau khi tách vỏ, bỏ hạt, me được ngâm vào muối hột khoảng 1 đêm cho bớt chua. Sau đó, me được rửa sạch và bắt đầu sên. Ở khâu sên phải đều tay để trái chín đều và có màu sắc đẹp mắt.
Đặc biệt, thời gian làm ra mứt trái me nhanh hay chậm là do thời tiết. Nếu trời nắng nóng, chỉ cần 2 nắng là đủ. Việc phơi mứt cũng khá vất vả. Khi phơi mặt đầu tiên, nắng làm cho mứt trái me khô lại, chị phải thoa thêm một lớp nước đường. Từ lúc bắt đầu đến lúc cho ra thành phẩm phải mất 7-12 ngày. Sau cùng là khâu gói mứt, đòi hỏi phải khéo tay, chăm chút để mứt me có hình dáng thon dài giống như trái lúc còn tươi.
Chị nói: “Tôi làm mứt me được 5 năm nay. Me nhà làm nên chủ yếu bán cho người quen và công nhân ở Khu công nghiệp Long Hậu. Vất vả, lời không nhiều nhưng tôi cảm thấy vui khi hàng xóm khen ngon. Đó cũng là lý do mỗi dịp tết dù bận rộn, tôi vẫn làm mứt”.
Bánh tráng vào xuân
Làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa, phường 5, nằm bên dòng sông Vàm Cỏ Tây, cách trung tâm TP.Tân An khoảng 2km. Nơi đây, từ hơn 100 năm trước từng nức tiếng khắp Nam bộ bởi sản phẩm bánh tráng đậm đà vị quê hương và được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống vào tháng 12/2013.
Những ngày cận tết, cả làng tất bật xay bột, tráng bánh, phơi bánh,... với số lượng nhiều hơn so với ngày thường. Tại đây, có khoảng 80 hộ dân theo nghề làm bánh tráng, đa số làm thủ công. Không ai biết rõ nghề làm bánh tráng ở đây có từ khi nào, người ta chỉ biết rằng, đây là nghề “cha truyền con nối”. Bình quân một ngày, mỗi hộ tráng được 15kg bánh. Riêng hộ tráng bánh bằng máy cho ra lò khoảng 400kg bánh/ngày.
Một trong những hộ gia đình gắn bó với nghề bánh tráng nhiều năm là gia đình ông Dương Văn Đeo, ngụ khu phố Nhơn Hòa 1. Ông chia sẻ: Gia đình ông sinh sống chủ yếu dựa vào nghề làm bánh tráng. Vào dịp tết, lượng bánh tráng tăng thêm được một ít. Ông tiếp nối nghề này theo cách làm thủ công từ năm 1992 đến nay. Hàng ngày, vợ chồng ông vẫn xay gạo thành bột, nhóm lửa tráng bánh rồi đem phơi. Ngày nay, nghề làm bánh tráng không còn hưng thịnh như lúc trước, chủ yếu lấy công làm lời, nhưng nhiều gia đình vẫn gắn bó vì họ không bỏ được nghề truyền thống.
Bánh tráng Nhơn Hòa được làm với 100% bột gạo và không sử dụng hóa chất nên có hương vị đặc trưng, độ mặn vừa phải tạo cho bánh độ mềm, dẻo. Bánh có thể cuốn với tôm, thịt, rau, bún, chấm nước mắm chua ngọt hoặc mắm nêm đều rất ngon.
Qua nhiều năm tồn tại và phát triển, những người làm bánh tráng ở Nhơn Hòa không ngừng tìm tòi và sáng tạo ra những cách làm mới. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Xã hội ngày nay có nhiều thay đổi. Nhưng dù thế nào đi nữa, mỗi độ xuân về, bánh, mứt tết trở thành một phần không thể thiếu trong tâm thức của người Việt.
Theo Danviet.vn
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn