Giả mạo dấu KCS/QC?
Công ty TNHH Gia Hân cho biết, từ tháng 8/2012, Global Home có ký hợp đồng sản xuất và cung ứng hàng hóa với Gia Hân để mua bán bàn ghế gỗ thành phẩm xuất khẩu. Kể từ thời điểm đó đến đầu năm 2015, việc giao dịch giữa hai công ty vẫn diễn ra bình thường, không có gì đáng ngại.
Tuy nhiên, từ tháng 4 đến tháng 7/2015, Gia Hân đã cung ứng cho Global nhiều lô hàng nhưng sau đó ông Otto, Giám đốc đại diện của Công ty Global Home không chi trả công nợ. Chỉ trong một thời gian, khoản nợ đó đã lên đến hơn 493.000 USD, tương đương với hơn 11 tỷ đồng.
Về phía Global Home, công ty này cho rằng Gia Hân đã vi phạm hợp đồng trong quá trình giao dịch với họ. Chính những hành vi vi phạm hợp đồng của Gia Hân đã khiến phía đối tác phải chiụ thiệt hại tới 250.000 USD để bồi thường cho khách hàng. Không chỉ vậy, sự sai trái đó cũng khiến cho công ty Global Home bị tổn thất nghiêm trọng về mặt doanh thu, mất khá nhiều hợp đồng với khác hàng do thiệt hại uy tín đối với nhãn hàng - thương hiệu. Do đó, Global Home buộc lòng phải hủy hợp đồng với Gia Hân nhằm hạn chế những thiệt hại xảy ra đối với mình.
“Việc thương lượng với Gia Hân không đạt kết quả nên chúng tôi không còn chọn lựa nào khác ngoài việc hủy Hợp đồng cung cấp, hoàn trả mọi sản phẩm lỗi còn lại trong kho của Global Home tại Việt Nam và tạm ngừng khoản thanh toán cho công ty Gia Hân nhằm bù lại một phần nào các khoản thiệt hại của Global Home", đại diện của Global Home cho biết.
Theo đó, Công ty Global Home cũng đã chỉ rõ những sai phạm của phía Gia Hân. Cụ thể, Gia Hân đã giả mạo dấu KCS/QC (Kiểm tra chất lượng sản phẩm) của Global Home. Công ty này cũng sử dụng gỗ chất lượng thấp khi gia công; Sử dụng vật liệu hoàn thiện không đúng và bất hợp pháp, trong đó có Gasoline. Không chỉ thế, Gia Hân còn giao nhiều contener sản phẩm kém chất lượng cho Global Home.
"Lời giải" của Gia Hân
Sau khoản thời gian ông Otto không tiếp nhận nguồn hàng từ công ty Gia Hân, ngày 29/7/2015, nhà cung ứng này đã gửi thư giải thích nguyên nhân sản phẩm kém chất lượng đến công ty Global Home.
Theo đó, Gia Hân đã đưa ra 2 nguyên nhân tạo ra hiện tượng đốm màu, bạc màu trên sản phẩm. Thứ nhất, về hiện tượng do wax (kem bảo vệ và làm sáng bóng đồ gỗ) đặc, được sự cho phép của công ty Nguyên Đinh, Gia Hân đã pha với dung dịch dầu hỏa để wax được lỏng ra. Gia Hân cho biết, trong phần pha chế dung dịch này, một số công nhân mới của công ty đã đổ dầu và không khuấy đều nên phần dầu hỏa còn lắng ở trên mặt và lau lên sản phẩm, qua thời gian khô nó sẽ chuyển sang màu bạc. Thứ hai, qua xử lí cục bộ sản phẩm bị đốm màu, công nhân chà nhám làm mất phần sơn lót, dẫn đến đốm màu trên sản phẩm.
Nói về việc này, phía công ty Nguyên Đinh lại cho rằng: “Về phần màu tại Nhà máy Gia Hân diễn ra tình trạng đốm màu là do nhà máy không thực hiện đúng quy trình. Nhà máy không lau sạch phần wax trên mặt mà phun màu trực tiếp lên sản phẩm dẫn đến màu không bám trên bề mặt gỗ (nếu không lau sạch phần wax thì không thể nào tiến hành sửa màu được”.
Ngoài ra, công ty Nguyên Đinh cũng thừa nhận đã có hướng dẫn phía Gia Hân pha màu với dầu hôi. Công ty này cũng nhấn mạnh, việc pha wax với dầu hôi phải theo một hàm lượng nhất định chứ không phải pha sao cũng được. Do đó, khi nhà máy pha dầu hôi quá nhiều so với wax làm phần dung dịch wax quá lỏng nên khi lau lên sản phẩm, trước khi khô vẫn có màu. Tuy nhiên, khi dầu hôi bốc hơi hết, phần màu wax trên sản phẩm cũng mất màu luôn.
Được biết, sau khi lý giải nguyên nhân như vậy, hai công ty này cũng khuyến nghị ông Otto tạo điều kiện cho họ được thêm một lần gặp mặt để làm rõ hơn vấn đề này. Mặc dù vậy, việc thương lượng giữa các bên liên quan vẫn bất thành.
Công Quang
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn