Tại những vùng trọng điểm của Đồng Nai, ngày cao điểm có thể xuất 2000 con đi các tỉnh phía Bắc. Hiện tại giá lợn hơi đang ở mức 44.000 đồng/kg, tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với 2-3 tuần trước.
Trung Quốc thích mua lợn trọng lượng lớn, nhiều mỡ. Ảnh minh họa
Ông Giang cho biết, Chi cục Thú y cũng khuyến cáo bà con không nên ồ ạt nuôi lợn trọng lượng lớn, nhiều mỡ sẽ có nguy cơ ôm hàng và chịu lỗ như trước đây.
Theo thông tin, Trung Quốc tăng mua lợn mỡ vì có thể do cơn bão mới đây càn quét Trung Quốc khiến lượng lợn giảm trong khi nhu cầu tăng.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, đối với ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng, thị trường Trung Quốc là thị trường tiềm năng nhưng cũng rủi ro.
Ông cho biết, Trung Quốc thường mua không có kế hoạch, không chủ động mua. Khi nhu cầu thị trường không đáp ứng được mới sang thu mua ở Việt Nam. Có thời điểm ở cửa khẩu Cao Bằng hoặc Lạng Sơn có ngày lên tới 50-60 xe chở lợn xuất sang Trung Quốc, cửa khẩu Móng Cái có ngày cũng lên 30 xe nhưng không thường xuyên, có ngày chỉ vài xe rất không ổn định.
Đặc biệt, Trung Quốc rất chuộng loại lợn có trọng lượng hơn 1 tạ, nhiều mỡ.
Khi thị trường thiếu, họ nhập ồ ạt lợn Việt Nam với giá cao ngất ngưởng. Người dân thấy giá cao nên ồ ạt tăng đàn. Tuy nhiên khoảng 4-6 tháng sau, Trung Quốc ngưng mua, dẫn đến tình trạng lợn dư thừa. Trung Quốc chuộng lợn mỡ nhưng trong nước lại không thích khiến lợn rớt giá mạnh, người chăn nuôi lỗ nặng.
“Như thời điểm tháng 3, 4/2016, nhu cầu của Trung Quốc tăng cao, khiến giá heo ở Việt Nam có lúc lên tới 55- 57 nghìn đồng/kg lợn hơi nhưng khi họ ngừng mua còn hiện tại 47- 48 nghìn, giảm 10- 15%”, ông Trọng cho hay.
"Người dân cần hết sức cảnh giác khi thay thế đàn đừng thay ồ ạt ở thời điểm giá cao cũng như không bỏ đàn ở thời điểm giá xuống thấp. Đã xác định đó là nghề chăn nuôi thì phải chăn nuôi ổn định", ông Trọng khuyến cáo.
Rất nhiều lần người chăn nuôi đã dính đòn của thương lái Trung Quốc khi họ trở mặt, không chỉ với mặt hàng thịt lợn.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng cho biết, tình trạng thương lái Trung Quốc mua ồ ạt sau đó ngừng mua diễn ra nhiều năm. Họ trực tiếp hoặc thông qua đại lý ở Việt Nam để thu gom hàng hóa. Xu hướng mua hàng nguyên liệu, chọn lọc, chọn theo size cỡ, thu mua số lượng lớn với giá tốt hơn.
Ví dụ với cá tra, kích cỡ cá hiện nay khoảng 8-9 lạng, có thị trường chỉ đặt 7 lạng/con nhưng Trung Quốc thường đặt mua cá tra với kích cỡ trên 1kg.
Với loại cá trên 1kg nhu cầu thị trường không nhiều. Khi Trung Quốc ngừng thu mua, giá lập tức sẽ giảm. Từ đầu năm đến tháng 5/2016, giá cả cá tra khá thuận lợi nhưng sang tháng 6, giá cá tra bắt đầu giảm, với size cá từ 8-9 lạng giảm 2.000- 3.000 đồng/kg và giảm 3.000- 4.000 với size cá lớn. Theo báo cáo, giá giảm mạnh khiến doanh nghiệp phải chịu lỗ.
Hiện nay thị trường cá tra tiêu thụ chủ yếu ở Mỹ, các nước ASEAN. Riêng trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, tăng 60%, chiếm 15% thị phần.
“Nếu trong điều kiện xuất khẩu chính ngạch, đảm bảo ATTP, nhu cầu thị trường thì rõ ràng đây là thị trường tốt, nhưng hiện nay chúng ta chủ yếu xuất khẩu qua tiểu ngạch, chất lượng chưa đầy đủ, giá cả bất lợi”, ông Nam cho hay.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn