Trịnh Xuân Thanh dừng bước đường công danh kỳ ảo

Chủ nhật - 11/09/2016 12:04

Trịnh Xuân Thanh dừng bước đường công danh kỳ ảo

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 8/9, Ban bí thư Trung ương Đảng đã khai trừ ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh uỷ viên Tỉnh ủy Hậu Giang ra khỏi Đảng. Như vậy, chỉ chưa đầy 3 tháng, ông Thanh đã buộc phải giã từ con đường quan lộ “đẹp như mơ” và phải trả giá cho những sai phạm trong quá khứ.

Cách đây gần 3 tháng, dư luận cả nước không khỏi sửng sốt khi một số tờ báo phản ánh thông tin chiếc Lexus 570 trị giá hơn 5 tỷ đồng được đeo biển số xanh 95A-0699 chạy thản nhiên trên đường phố miền Tây. Chiếc xe này của ông Trịnh Xuân Thanh , lúc đó còn là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Mặc dù sau đó, trước phản ứng của dư luận, ông Trịnh Xuân Thanh, đã phải trả lại biển số xanh được cấp tạm này, đồng thời thanh minh rằng, xe này được mượn của một người bạn, vốn có biển kiểm soát 29A-79093, tuy nhiên, sau đó, những câu chuyện về con đường công danh kỳ ảo của ông Thanh vẫn liên tục được báo chí đề cập và khai thác.

Vẫn còn đó nhiều câu hỏi: Nếu không có vụ lùm xùm chiếc Lexus gắn biển xanh thì liệu ông Thanh có còn “lên” nữa? Vụ Trịnh Xuân Thanh có mở ra những vụ khác hay không?Dư luận “sôi sùng sục” với hàng loạt câu hỏi được đặt ra.

Tổng Bí Thư cho biết, vụ Trịnh Xuân Thanh chỉ là một ví dụ

Lần dở lại từng bước của quá trình dẫn đến ông Trịnh Xuân Thanh bị khai trừ khỏi Đảng, có thể thấy, việc ông này bị khai trừ khỏi Đảng là vẫn còn nhẹ.

Ngày 9/6, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công an, Ban cán sự đảng các bộ Công Thương, Tài chính, Kiểm toán nhà nước, Tỉnh ủy Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung mà báo chí phản ánh về việc sử dụng xe tư gắn biển xanh và những “di sản” của Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh khi lãnh đạo PVC gây thua lỗ lớn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng cơ quan, địa phương liên quan nhanh chóng tổ chức việc kiểm tra, kết luận, coi đây là “việc cần làm ngay” và báo cáo kết quả với Ban Bí thư.

Tiếp đó, ngày 10/6, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Công thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm rõ sự việc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/6.

Ngày 16/6, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang vắng mặt ông Trịnh Xuân Thanh và tên ông Thanh cũng không xuất hiện trong danh sách giới thiệu đại biểu ứng cử chức danh Phó Chủ tịch tỉnh nhiệm kỳ này.

Đến nay, chưa đầy 3 tháng, ông Thanh đã buộc phải giã từ con đường quan lộ “đẹp như mơ” và phải trả giá, nói đúng hơn là phải đứng ra chịu trách nhiệm, dù là muộn màng với những sai phạm trong quá khứ.

Bước đường công danh đầy kỳ ảo

Như vậy, những câu chuyện “động trời” của “ quan ngông” Trịnh Xuân Thanh đã không chỉ dừng lại ở câu chuyện xe biển xanh – biển trắng, mà nếu thất thoát tiền ngân sách thì mới “chỉ” dăm ba tỉ đồng. Lật lại quãng thời gian ông Thanh làm lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thì con số thiệt hại khủng khiếp hơn nhiều, tới trên 3.200 tỷ đồng.

Ông Trịnh Xuân Thanh được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) PVC thuộc tập đoàn PVN vào năm 2009. Đến giai đoạn năm 2012 - 2013, doanh nghiệp này rơi vào tình trạng thua lỗ và gặp rất nhiều khó khăn.

Tính đến thời điểm 31/12/2012, tổng vốn đầu tư ra ngoài DN của Công ty mẹ PVC là 3.370,6 tỷ đồng tại 41 công ty. Thế nhưng, kết quả kinh doanh tại 15 công ty con thì đã có đến 10 công ty báo lỗ và chỉ có 5 công ty kinh doanh có lợi nhuận; 4/8 công ty liên doanh, liên kết lỗ...

Cũng trong năm 2012, lỗ trước thuế hợp nhất của PVC lên tới 1.824 tỷ đồng, lỗ sau thuế 1.847,3 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2013, khi ông Thanh đang rục rịch rời khỏi doanh nghiệp này để về Bộ Công Thương thì PVC tiếp tục báo lỗ 625,7 tỷ đồng và sau khi đơn vị kiểm toán Deloitte bắt tay vào soát xét thì số lỗ tăng vọt lên 1.578 tỷ đồng.

Riêng Công ty mẹ - PVC, năm 2012 lỗ 1.368 tỷ đồng và tiếp tục lỗ thêm 1.927,16 tỷ đồng vào 2013. Lũy kế cuối năm 2013, Công ty mẹ PVC đã lỗ trên 3.262 tỷ đồng.

Lãnh đạo PVC thời điểm đó đã phải nhìn vào thực tế chua chát sau 30 năm tồn tại, phát triển của doanh nghiệp: “nếu không có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt thì PVC không có khả năng hoạt động liên tục, dẫn đến nguy cơ phá sản rất cao”.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV diễn ra mới đây, khi trao đổi với phóng viên Dân Trí, một vị đại biểu nói rằng, doanh nghiệp kinh doanh có lỗ có lãi, đó là chuyện bình thường. Nếu vì thị trường, vì những khó khăn khách quan lẫn chủ quan mà bản thân lãnh đạo dù đã cố gắng rồi mà vẫn để xảy ra lỗ, thì đó là bất khả kháng, có thể thông cảm được với ông Thanh.

Nhưng nếu nguyên nhân xuất phát từ khả năng quản trị yếu kém, đầu tư dàn trải, có cảnh báo rồi nhưng vẫn quyết định sai lầm, dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát được thì không ai khác lãnh đạo phải chịu trách nhiệm, mà trước hết, có trách nhiệm của người đứng đầu là ông Trịnh Xuân Thanh.

Bê bối ở PVC, các lãnh đạo khác thời ông Trịnh Xuân Thanh không thể "vô can"

Đấy là sau này nhìn lại. Còn tại thời điểm năm 2013, khi PVC đứng trước bờ vực phá sản, trong khi nhiều cá nhân, đơn vị của PVC bị khởi tố hình sự thì ông Thanh lại ngoạn mục thoát hiểm. Thời điểm đó, qua xét xử vụ án cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty CP Thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (PVC-ME) có tới 13 bị cáo bị truy tố về tội cố ý làm trái với 11 bị cáo thuộc PVC-ME.

Còn về phần ông Trịnh Xuân Thanh, trong khi dàn lãnh đạo ở PVC lúc bấy giờ phải “bạc tóc” tìm lối thoát chỉ để tồn tại thì cuối tháng 9/2013, ông Thanh ung dung trở thành Phó chánh văn phòng, phụ trách Văn phòng đại diện miền Trung của Bộ Công Thương tại Đà Nẵng.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, sự nghiệp của ông Thanh “phất” lên như diều gặp gió khi được lãnh đạo Bộ Công Thương tín nhiệm, bổ nhiệm làm Phó chánh Văn phòng phụ trách của Bộ, rồi làm Vụ trưởng, Trưởng ban Đổi mới sắp xếp doanh nghiệp... Cuối cùng, ông Thanh được luân chuyển về làm tới chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, tham gia ứng cử và được bầu làm Đại biểu Quốc hội.

Nếu như không vướng vào vụ lùm xùm xe biển trắng – biển xanh và nếu không có sự vào cuộc quyết liệt mạnh mẽ của truyền thông báo chí cũng như của các cơ quan chức năng thì nhiều ý kiến cho rằng, ông Thanh sẽ còn “lên” nữa.

Không chỉ lùm xùm vấn đề trách nhiệm tại PVC, quanh ông Thanh còn những câu chuyện dích dắc khác. Như là chuyện "bóng tối" của ông Trịnh Xuân Thanh ở CTCP Rượu Hà Nội (Halico) khi doanh nghiệp này đưa con trai ông Thanh về làm việc. Chuyện là từ cuối năm 2015, ông Mai Văn Lợi (nguyên là lãnh đạo một doanh nghiệp được sáp nhập vào PVC) đã đưa con của ông Trịnh Xuân Thanh là ông Trịnh Hùng Cường (sinh năm 1992) về làm việc tại Halico.

Đến tháng 4/2016, con trai ông Thanh tiếp tục được bổ nhiệm làm Phó phòng phụ trách truyền thông và thị trường của Phòng truyền thông Marketing của Halico. Việc đưa một nhân viên còn thiếu kinh nghiệm lên giữ chức vụ trên ở Halico của ông Mai Văn Lợi được cho là bất hợp lý do ông Cường còn quá trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, cũng tại Halico, đầu năm 2015, khi mới về làm Giám đốc doanh nghiệp này chưa lâu, ông Mai Văn Lợi đã ép các thành viên trong ban lãnh đạo của Halico chuyển 500 triệu đồng cho Tỉnh uỷ Hậu Giang nói là để "hỗ trợ các gia đình có công với cách mạng" của tỉnh Hậu Giang. Và vào thời điểm này ông Trịnh Xuân Thanh mới được luân chuyển về tỉnh Hậu Giang làm Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đang cần nhiều lá phiếu cho việc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIV.

Nói về trường hợp Trịnh Xuân Thanh, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đã phải thốt lên rằng: "Tại sao lại có chuyện con voi chui qua nhiều lỗ kim như thế? Nhân dịp này nên xem xét toàn diện, đầy đủ, tất cả những khía cạnh xem sự chỉ đạo, kỷ luật của Đảng đã được thực hiện một cách nghiêm chỉnh hay chưa? Chính những vi phạm như vậy đã làm giảm niềm tin của Đảng như lời Tổng Bí thư đã nói. Tôi cho rằng nếu không xử lý được rõ ràng sự việc này thì người dân sẽ có nhiều câu hỏi hơn nữa".

Và không phụ lòng tin tưởng của người dân, các cơ quan chức năng đã vào cuộc theo đúng tinh thần quyết liệt, khách quan, không bị tác động bởi bất cứ sức ép nào để dần đưa vụ việc này ra ánh sáng.

Vụ Trịnh Xuân Thanh mở ra những vụ việc khác?

Còn nhớ, hồi đầu tháng này, ông Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng truyền đạt ý kiến của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, các cơ quan của Đảng, Chính phủ phải xử lý đến cùng vụ việc này và công bố cho nhân dân biết, làm nghiêm, không bao che bất kỳ ai để từ đó tránh được các sai phạm tương tự.

Bản thân Tổng Bí Thư khi tiếp xúc cử tri cũng đã nói: "Vụ Trịnh Xuân Thanh chỉ là một ví dụ thôi, còn liên quan đến nhiều thứ lắm. Có những việc chưa tiện nói trước. Phải có những bước đi chắc chắn, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả và phải giữ cho được cái ổn định để phát triển đất nước. Sở dĩ như vậy là sau vụ này nó lại liên quan đến vụ khác".

Như vậy, có thể hiểu rằng, vụ việc Trịnh Xuân Thanh không chỉ dừng lại ở cá nhân ông Thanh mà còn liên quan đến nhiều cá nhân khác. Chẳng hạn về trách nhiệm để xảy ra thua lỗ ở PVC, nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ một mình ông Thanh phải gánh vác mà những cá nhân khác như ông Vũ Đức Thuận Tổng giám đốc, người trực tiếp điều hành PVC thời kỳ ông Thanh làm Chủ tịch, cũng không thể vô can. Rồi việc cất nhắc, bổ nhiệm cũng không thể một mình ông Thanh làm nên chuyện mà phải có những cá nhân liên quan khác đứng sau.

Nói với Dân Trí, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương từng khẳng định, về xử lý nội bộ, Đảng không phân biệt một ai. Kể cả là đã về hưu nhiều năm nhưng nếu có liên quan đến những sai phạm trong thời kỳ công tác thì cũng không có chuyện “hạ cánh an toàn”. Điều này đã có tiền lệ. Khi xem xét khuyết điểm của cán bộ, không hề có bất cứ vùng cấm nào, bất luận người đó đương chức hay đã về hưu, ngay cả đương chức thì dù ở bất cứ chức vụ nào cũng phải bị xem xét.

Ông Hùng cũng nhắn nhủ rằng, vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh "là cơ hội để những người sai lầm, những đồng chí chưa bị lộ nên thành khẩn, không tiếp tục đi sâu vào vực thẳm của sự ô uế và trở lại với con đường sáng".

Cho đến thời điểm này, mặc dù ông Trịnh Xuân Thanh đã bị khai trừ khỏi Đảng nhưng điều kỳ lạ là đến thời điểm này, người ta không biết ông này đang ở đâu. Thậm chí Tỉnh uỷ Hậu Giang ngày 10/9 còn phải cử người ra Hà Nội, đến nhà riêng tìm ông cũng không thấy. Người nhà của ông Thanh cũng không biết ông Thanh đang ở đâu (?). Và tất cả làm dấy lên nghi ngờ có thể ông Thanh đã đi ra nước ngoài (dù chưa bị cấm xuất cảnh).

Nếu đúng là như vậy, việc tiếp tục kiểm tra, xử lý với ông Trịnh Xuân Thanh ở mức cao hơn mức khai trừ khỏi Đảng, thậm chí là khởi tố vụ án, khởi tố điều tra với cá nhân ông Thanh sẽ rất khó để thực hiện.

Bích Diệp

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây