Đầu tư trái phép bất động sản
Theo điều tra, trong 2 năm 2009 – 2010, bà Hứa Thị Phấn (còn gọi Sáu Phấn, người sở hữu 84,92% cổ phần trong nhóm cổ đông Phú Mỹ) đã bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng nhờ người đứng tên thâu tóm TrustBank. Ngay sau đó, bà Phấn tiếp tục sử dụng ảnh hưởng của mình, nhờ 29 đối tượng đứng tên giùm, vay của TrustBank số tiền lên tới 3.581 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, Sáu Phấn cùng với “hai cánh tay đắc lực” là Chủ tịch HĐQT Hoàng Văn Toàn và Tổng giám đốc Trần Sơn Nam tiếp tục chiến lược “bòn rút” khiến Trust Bank ngày càng “mỏng manh” hơn.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, trong giai đoạn này, Sáu Phấn đã chỉ đạo TrustBank trực tiếp đầu tư trái phép 1.038 tỷ đồng dự án bất động sản. Cụ thể, ngân hàng này đã đầu tư 137 tỷ đồng vào Dự án Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B (Dĩ An, Bình Dương). Dự án này được Công ty TNHH Phú Mỹ (bà Hứa Thị Phấn làm Chủ tịch HĐTV) làm chủ đầu tư. Không chỉ có vậy, dưới sự điều hành của Sáu Phấn, Ngân hàng Đại Tín lại tiếp tục đầu tư 571 tỷ đồng vào Dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị Phú Mỹ Garden II (Bến Lức, Long An) do Công ty Cổ phần Phú Mỹ làm chủ đầu tư.
Chưa dừng lại ở đó, bằng “bàn tay ma thuật” của mình, bà Phấn còn chỉ đạo Trust Bank đầu tư 330 tỷ đồng vào 2 dự án: The Star City và Go – Go City tại huyện Nhà Bè (TPHCM) do Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang (công ty con do bà Phấn lập ra) làm chủ đầu tư.
Căn cứ vào những tình tiết đó, VKSND TPHCM cho rằng, việc TrustBank đầu tư bất động sản như trên là vi phạm pháp luật. Lý giải điều này, VKSND TPHCM cũng chỉ rõ, việc đầu tư đó của TrustBank đã vi phạm Luật doanh nghiệp khi cố tình thực hiện các hoạt động kinh doanh không đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Không chỉ thế, việc làm này của Ngân hàng Đại Tín còn vi phạm Luật các tổ chức tín dụng và vi phạm điều lệ “TrustBank không được trực tiếp kinh doanh bất động sản” do ngân hàng này đặt ra vào năm 2009.
Được biết, đến nay, Dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị Phú Mỹ Garden II đã bị thu hồi. Ngoài ra, 2 dự án The Star City và Go – Go City tại huyện Nhà Bè vẫn chỉ là bãi đất trống.
Gây họa rồi “bán” trách nhiệm
Theo kết luận thanh tra TrustBank vào ngày 10/7/2012, tình trạng tài chính của Công ty TNHH Phú Mỹ, Công ty Cổ phần Phú Mỹ và Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang là rất khó khăn, không có khả năng hoàn trả lại số tiền góp vốn cho TrustBank. Chính vì vậy, ngân hàng này đã phải trích lập dự phòng 50% tống số vốn góp. Cơ quan điều tra cho rằng, đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc tại thời điểm cuối tháng 2/2012, TrustBank bị lỗ lũy kế 6.061 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 2.855 tỷ đồng. Không những thế, đến ngày 31/12/2013, TrustBank lại phải trích lập 100% (1.038 tỷ đồng).
Theo VKSND TPHCM, việc trích lập như thế không chỉ gây thiệt hại cho VNCB (ngân hàng Xây dựng Việt Nam, đổi tên từ TrustBank) mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng này. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ chốt dẫn đến tình hình tài chính của VNCB bị khủng hoảng, mất thanh khoản nghiêm trọng và có nguy cơ đổ nát bất cứ lúc nào.
Kết quả điều tra còn cho thấy, khoản nợ 1.096 tỷ đồng được bà Hứa Thị Phấn khéo léo chuyển giao cho Tập đoàn Thiên Thanh (ông Phạm Công Danh làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc) theo thỏa thuận chuyển giao quyền và nghĩa vụ sở hữu TrustBank. Điều đáng nói là Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh không có năng lực tài chính nên sau khi tiếp quản TrustBank, Danh và nhóm Thiên Thanh không thực hiện nghĩa vụ tái cơ cấu mà lại tiếp tục “rút ruột” trên 18.000 tỷ đồng của ngân hàng này. Việc làm như vậy của “chủ mới” TrustBank đã khiến tình hình tài chính của VNCB ngày càng trầm trọng hơn, mất thanh khoản đáng kể. Đặc biệt, khi Phạm Công Danh đã bị khởi tố, số tiền trên càng khó thu hồi hơn.
Trước những việc Hứa Thị Phấn gây lỗ lũy hàng ngàn tỷ đồng cho TrustBank và tạo “bước đệm” để Phạm Công Danh “hủy diệt” ngân hàng này ngay sau khi tiếp quản.
Công Quang
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn