Cổ phiếu lại "lau sàn"
15 phút xác định giá mở cửa (ATO) đầy hồi hộp của phiên 20/4 cuối cùng cũng đã trôi qua. Chỉ số VN-Index hồi phục 2,28 điểm sau 2 phiên rơi tự do.
Thế nhưng, QCG của Quốc Cường Gia Lai vẫn tiếp tục nằm sàn. Mới chỉ là đợt ATO thôi, nhưng khối lượng dư bán giá sàn đã lên tới gần 1,3 triệu cổ phiếu và vẫn tiếp tục gia tăng theo từng giây. Trong khi đó, không hề có dư mua.
Khối lượng khớp lệnh có nhỉnh hơn hôm qua, đạt 162 nghìn đơn vị, song với lệnh bán sàn chất càng ngày càng lớn đã báo hiệu một ngày giao dịch không mấy triển vọng với mã chứng khoán này.
Mức giá hiện tại của QCG đang là 10.850 đồng/cổ phiếu. Chỉ sau 3 phiên, giá cổ phiếu “bốc hơi” 20,39%. Vốn hoá thị trường lùi về mức 2.985 tỷ đồng, mất 702 tỷ đồng so với phiên 17/4.
Không chỉ vậy, bản thân gia đình Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai cũng bị thiệt hại lớn. Tại công ty mang tên mình, trên cương vị Phó Tổng Giám đốc, ông Nguyễn Quốc Cường trực tiếp nắm giữ 537.500 cổ phiếu QCG tại doanh nghiệp.
Những người thân trong gia đình ông Cường nắm giữ tới hơn 141 triệu cổ phiếu, tương đương 52,3% vốn công ty. Trong đó, mẹ ông Cường là bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, nắm giữ 101,9 triệu cổ phiếu, tương đương 37,05% vốn và em gái ông là Nguyễn Ngọc Huyền My nắm giữ 39,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 14,32%.
Tính ra, 3 phiên “lau sàn” của cổ phiếu QCG đã khiến gia đình ông Cường mất tới 361,4 tỷ đồng.
Hung tin dồn dập
Sự giảm sút cổ phiếu QCG được cho là xuất phát từ thông tin hợp đồng chuyển nhượng 32,5 ha đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè mà Quốc Cường Gia Lai ký mua với Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận khả năng sẽ bị huỷ dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành uỷ TPHCM.
Khu đất này đã được Quốc Cường Gia Lai mua với giá 419 tỷ đồng, tương đương 1,29 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, theo Thành uỷ TPHCM thì mức giá này quá thấp so với giá thị trường và gây thiệt hại cho ngân sách khoảng 2.000 tỷ đồng.
Sau đó, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Cường (Cường “Đôla”) đã chính thức lên tiếng về thông tin này, trong đó khẳng định, hợp đồng mua đất của Tân Thuận là giao dịch dân sự thông thường, thuận mua vừa bán.
Ông Cường cho biết, nếu TPHCM yêu cầu thì doanh nghiệp sẵn sàng trả lại đất trên cơ sở điều khoản hợp đồng đã ký kết. Đây cũng chỉ là một phần nhỏ trong quỹ đất lớn của doanh nghiệp.
“Nếu trong trường hợp hợp đồng giao dịch với công ty Tân Thuận không thành công cũng không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và chiến lược sắp tới của doanh nghiệp” – đại diện Quốc Cường Gia Lai khẳng định.
Ngoài ra, người phát ngôn của Quốc Cường Gia Lai cũng cho rằng, dư luận đang nhầm lẫn giữa hai dự án khiến cho mọi việc bị đẩy xa hơn. Lô đất 30 ha mua lại của Công ty Tân Thuận (nằm cạnh mặt đường Nguyễn Hữu Thọ) khác dự án Phước Kiển rộng 90 ha (cách đường Nguyễn Hữu Thọ 3-4km, giáp Rạch Ông Lớn và Rạch Đĩa).
Một thông tin bất lợi khác có thể tiếp tục tác động tiêu cực lên giá cổ phiếu QCG trong phiên hôm nay và sắp tới đó là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này đã bị điều chỉnh đáng kể sau khi báo cáo tài chính năm 2017 được kiểm toán.
Cụ thể, sau kiểm toán, lợi nhuận trước thuế của Quốc Cường Gia Lai đã bị điều chỉnh giám 17,8 tỷ đồng tương ứng giảm 3,4% còn 508,8 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng còn 406,5 tỷ đồng, giảm 17,2 tỷ đồng tương ứng 4,1%.
Theo đó, doanh nghiệp này mới chỉ hoàn thành 71% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm được đại hội đồng cổ đông giao phó.
Nguyên nhân chủ yếu là do sự điều chỉnh về doanh thu hoạt động tài chỉnh giảm 2,9%, chi phí tài chính tăng 12,6%, chi phí bán hàng tăng tới 132,5% và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh tới 124,7% so với báo cáo mà công ty này tự lập.
Bích Diệp
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn