Chiều 27/12, thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị hợp tác phát triển Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc bộ 2016, với sự tham gia của đại diện 15 địa phương gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh và đại diện lãnh đạo nhiều bộ ngành.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng KTTĐ nhận định, Vùng KTTĐ Bắc bộ là khu vực sở hữu nhiều lợi thế nhất so với các vùng KTTĐ của cả nước, có trụ sở các cơ quan Trung ương, tập trung nhiều KCN lớn, nhiều dự án, tập đoàn.
Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy, Vùng KTTĐ Bắc bộ chưa tạo sự lan tỏa tương xứng, chưa tạo ra sức bật do chưa có cơ chế điều phối liên kết rõ ràng, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2059, thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng Vùng KTTĐ giai đoạn 2015 - 2020. Việc không có chính quyền hành chính cấp vùng dẫn đến tình trạng mạnh ai người đấy làm.
“Câu hỏi lớn đặt ra là liệu vùng KTTĐ có phát huy, tận dụng hết những thế mạnh của mình không. Dường như chưa có câu trả lời thấu đáo. Sự phát triển toàn vùng có thực sự là sự phát triển toàn vùng hay chỉ là dấu cộng, sự lắp ghép của từng địa phương, mạnh ai người đấy làm? Vùng mới dừng lại ở phép cộng, các địa phương chưa có sự hợp tác, hỗ trợ, bổ sung cho nhau…”, ông Dũng phân tích.
Theo người đứng đầu Bộ KH&ĐT, nguyên nhân chính khiến Vùng KTTĐ Bắc bộ chưa phát huy hết tiềm năng là do thiếu tính liên kết. Thiếu quy hoạch phát triển vùng mang tầm chiến lược, thực hiện quy hoạch chưa nghiêm túc. Quy hoạch phát triển trên địa bàn vùng còn nhiều hạn chế. Từng Bộ, ngành địa phương lập quy hoạch riêng lẻ, nhiều quy hoạch địa phương chồng chéo, mâu thuẫn với quy hoạch vùng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, cái yếu nhất đối với Vùng KTTĐ Bắc bộ hiện nay là hạn chế trong việc huy động, bố trí nguồn lực đầu tư hạ tầng. Để giải quyết vướng mắc trên, ông Đông kiến nghị, các bên có liên quan cần ngồi lại bàn cơ chế huy động nguồn lực.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn