Có nên rót tiền vào đất nền?
Theo ghi nhận và số liệu báo cáo từ các tổ chức bất động sản cho thấy cơn sốt đất nền đang lan dọc khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam. Đặc biệt là ở khu vực vùng ven TP.HCM và 3 nơi được kỳ vọng trở thành đặc khu (Phú Quốc, Vân Phong, Vân Đồn).
Việc sốt đất, tăng giá đất ở các địa phương hiện nay được nhận định sẽ đem lại nhiều cơ hội đầu tư nhưng đồng thời cũng mang lại không ít rủi ro, hệ lụy cho cả thị trường và nhà đầu tư.
Tại tọa đàm "Đất nền nóng sốt, nhận diện cơ hội và rủi ro đầu tư" do Trí thức trẻ tổ chức, một câu hỏi khá thú vị được đặt ra: “Tôi đang bỏ 3 tỷ đồng để chơi chứng khoán, nhận thấy đất nền ở nhiều tỉnh, thành phố đang tăng cao đem lại nhiều cơ hội. Xin hỏi các chuyên gia, tôi có nên bán chứng khoán để mua đất?”.
Trả lời câu hỏi này, ông Dương Đức Hiển - Giám đốc kinh doanh nhà ở Savills Miền Bắc và Miền Trung Việt Nam cho rằng không nên “bỏ trứng vào 1 giỏ”. Đất nền là tài sản có thể để dành nhưng không nên rút toàn bộ số tiền đang chơi chứng khoán vào đất nền.
“Các nhà đầu tư đang thiếu sản phẩm để đầu tư, vàng và ngoại tệ không còn là kênh đầu tư hàng đầu nữa rồi, mọi người chỉ nhìn vào chứng khoán và bất động sản. Với chứng khoán thì các nhà đầu tư nhỏ lẻ và tự do, họ có quyết định và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Với đất nền họ tới giá trị đầu tư rất dễ, họ chỉ cần bỏ vài trăm triệu, vài năm sau sẽ có những chuyển biến mới, gấp 5,6 lần rất nhanh”, ông Hiển nói.
Tuy nhiên theo ông Hiển, cần tránh đầu tư theo “tâm lý bầy đàn”. “Các nhà đầu tư đất nền phải luôn nhớ khi bắt đầu đầu tư thì tính chất pháp lý và tiềm năng phát triển trong tương lai phải có cơ sở”, ông Hiển lưu ý.
Ông Hiển cũng cho rằng, một khi đã sốt rồi tốt nhất không nên lao vào lướt sóng. Nếu tham gia lướt sóng rất mạo hiểm. Đủ vốn đủ tiền lực hãy nên tham gia, ít vốn lao vào con sóng lớn rất nguy hiểm.
Còn theo ông Phạm Thanh Hưng - Phó chủ tịch HĐQT Cengroup, đối với các thị trường cũng thế, cần phải có nguyên tắc đầu tư cho bản thân mình.
“Tuỳ theo khẩu vị của nhà đầu tư. Nếu muốn an toàn thì đầu tư vào các tỉnh có cơ sở hạ tầng ổn định, quy hoạch rõ ràng. Còn nếu muốn mạo hiểm để kỳ vọng lợi nhuận cao thì chọn đất ở đặc khu kinh tế. Nếu muốn ở giữa thì chọn Bắc Ninh, Quảng Ninh…”, ông Hưng nhận định.
Theo ông Hưng, không có công thức chung cho việc đầu tư, bởi nếu có công thức chung thì không là sản phẩm đầu tư mà là sản phẩm tiêu dùng. Nó tuỳ thuộc vào khẩu vị của nhà đầu tư cũng như mục đích tính toán của họ.
Thị trường đang có dấu hiện bong bóng bất động sản?
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường hiện nay nếu xảy ra bong bóng, tăng giá đột biến chỉ là cục bộ ở một vài dự án nhỏ và sẽ sớm bị dập tắt.
“Còn tổng thể thị trường khó có thể xảy ra bong bóng vì thị trường hiện đang được kiểm soát khá tốt. Các nhà đầu tư đều có sự nghiên cứu, hoạt động chuyên nghiệp hơn hẳn, có đánh giá sâu sắc trước khi đầu tư”, ông Đính nói
Bên cạnh đó, theo ông Đính, còn có các chuyên gia, nhà tư vấn cảnh báo, hỗ trợ cho hoạt động đầu tư đúng hướng. Quản lý nhà nước hiện rất mạnh, phản ứng nhanh, đưa ra chính sách kịp thời khi có hiện tượng tiềm ẩn nguy cơ bong bóng.
“Khách hàng hiện cũng rất thông minh, khó “đu” theo bong bóng ảo thị trường. Do đó, thị trường bất động sản Việt Nam hiện tương đối bền vững, khó có thể xảy ra kịch bản như 10 năm trước. Nếu có xuống thì cũng ở mức kiểm soát được, khó có thể xảy ra đóng băng, khủng hoảng”, ông Đính nhận định.
Theo ông Đính, để tránh thông tin mang tính lừa đảo, rủi ro thì bạn cần tìm đến những sàn giao dịch, phân phối có đăng ký hoạt động, có uy tín, thương hiệu trên thị trường. Nếu là nhà môi giới cũng phải có chứng chỉ hành nghề theo pháp luật. Đây là những cơ sở có thông tin đáng tin cậy.
“Còn để làm thế nào để biết được tính pháp lý của các dự án được mua thì các môi giới họ sẽ cung cấp cho bạn thông tin đầy đủ các giấy tờ, thông tin dự án. Nếu cung cấp được đầy đủ thì bạn có thể yên tâm”, ông Đính cho biết.
Nguyễn Khánh
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn